Đến Bình Định khám phá di sản miền biển
Ngoài danh lam thắng cảnh đẹp, miền biển Bình Ðịnh còn có những kho tàng di sản văn hóa biển độc đáo mang nhiều ý nghĩa về lịch sử, văn hóa mà du khách có thể ngao du tìm hiểu khi đến đây.
Điểm đầu tiên bạn nên ghé đến là Bảo tàng tỉnh để chiêm ngưỡng những hiện vật được lưu giữ, trưng bày tại đây; trong đó, có nhiều hiện vật gốm sứ, súng thần công… được trục vớt từ những con tàu cổ chìm đắm dưới đáy biển Hà Ra - Phú Thứ (xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) và đầm Thị Nại sẽ giúp bạn hiểu thêm về bề dày lịch sử vùng “đất Võ, trời Văn”.
Đồ gốm sứ trục vớt dưới đáy biển Hà Ra - Phú Thứ trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Trong số những hiện vật được khai quật khảo cổ học dưới đáy biển Hà Ra - Phú Thứ, có hàng trăm cổ vật được tìm thấy, trục vớt từ các con tàu đắm, như cốc, đĩa, bát bằng gốm tráng men màu xanh ngọc, men sứ trắng, men xanh xám… thuộc niên đại thế kỷ XIII - XIV.
Đặc biệt hiện vật là các loại tiền cổ đúc bằng đồng có nguồn gốc từ thời Đường, Bắc Tống, Nam Tống (Trung Quốc) với kỹ thuật đúc tiền tốt, tiền dày, vành tiền nổi đều, gồm các đồng Khai Nguyên thông bảo (621), Tống Nguyên thông bảo (960 - 963), Thuần Hựu nguyên bảo (990), Thiên Thánh nguyên bảo (1023 - 1032), Khai Hy thông bảo (1025 - 1027), Hy Ninh thông bảo (1068 - 1077)… Cùng với đồ gốm sứ, nhiều loại tiền đồng thuộc các thời kỳ khác nhau được phát hiện trên xác tàu cổ dưới đáy biển chứng tỏ xưa kia vùng biển Hà Ra - Phú Thứ đã từng tồn tại một thương cảng lớn kết nối giao thương với nhiều cảng biển khác dọc vùng biển Bình Định trong lịch sử, như cảng thị Nước Mặn, cảng Thị Nại.
Ngắm nhìn những khẩu súng thần công có thể hình dung về những trận quyết chiến giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân nhà Nguyễn trên vùng đất Bình Định. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ngoài ra, tại Bảo tàng tỉnh cũng đang trưng bày bộ sưu tập súng thần công với 16 khẩu súng chế tạo bằng đồng, gang cùng nhiều loại đạn thần công bằng gang, sắt, đá. Trong số này, có 8 khẩu súng thần công phát hiện dưới lòng đầm Thị Nại và vùng biển Hải Giang (TP Quy Nhơn). Đứng bên những khẩu súng thần công, bạn có thể hình dung về kỹ thuật quân sự ngày trước, cùng những trận quyết chiến giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân nhà Nguyễn trên vùng đất Bình Định - nơi có thành Hoàng Đế là kinh đô của vương triều Thái Đức Nguyễn Nhạc.
Từ Quy Nhơn, bạn đi về vùng biển Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), rồi men theo tuyến ĐT 639 để về Đề Gi (huyện Phù Cát), Vĩnh Lợi (huyện Phù Mỹ), Hoài Hải (TX Hoài Nhơn) cũng có thể trải nghiệm nhiều điều thú vị về nét văn hóa đặc trưng của ngư dân, cùng những kiến trúc đình, miếu, lăng… của cộng đồng ngư dân nơi đây. Nét độc đáo nhất đó là kiến trúc làng chài, ở Nhơn Lý hay Đề Gi cho đến Vĩnh Lợi, những nếp nhà được xây phần lớn quay ra hướng Đông Nam để đón gió biển, nhà sát nhà nằm từ trên cao sau đó thấp dần xuôi về phía bãi biển theo những con đường uốn lượn trong khu dân cư.
Các sắc phong thần của triều Nguyễn được ngư dân tại nhiều vùng biển Bình Định xem như “báu vật” của làng. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tín ngưỡng chung nhất mà ngư dân ở các làng biển Bình Định gìn giữ, lưu truyền từ xưa đến nay là tục thờ cá Voi (thần Nam Hải) thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của miền biển Bình Định gắn với lễ hội cầu ngư, nghệ thuật tuồng, bài chòi, chèo bả trạo. Hầu hết làng biển nào ở Bình Định cũng có một Lăng Ông Nam Hải do ngư dân lập nên để thờ thần Nam Hải; đặc biệt nhiều lăng ở Nhơn Lý, Vĩnh Lợi, Hoài Hải còn giữ được nhiều sắc phong thần của các vua triều Nguyễn phong cho làng biển được ngư dân xem như “báu vật” của làng cùng chung tay gìn giữ. Khi đến Lăng Ông Nam Hải ở các nơi này, ngoài tham quan kiến trúc, xem sắc phong, bạn còn được tận mắt chiêm ngưỡng những bộ xương cá voi được thờ cúng tại lăng, nghe ngư dân kể về những câu chuyện cá voi cứu ngư dân gặp nạn trên biển với nhiều điều thú vị trong chuyến tìm hiểu di sản miền biển Bình Định…
ÐOÀN NGỌC NHUẬN