Giáo dục nghề nghiệp theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện
Diễn ra từ ngày 15.3, lớp bồi dưỡng “Ðổi mới phương pháp dạy học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện” năm 2022 (do Sở LÐ-TB&XH tổ chức) đã góp phần nâng cao năng lực cho 40 nhà giáo đang giảng dạy trình độ sơ cấp tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
Chú trọng thực hành
Tại lớp bồi dưỡng “Đổi mới phương pháp dạy học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện”, các nhà giáo tiếp cận với nhiều khái niệm. Đây có thể là những khái niệm không mới, nhưng nhiều người chưa hiểu sâu sắc, dẫn đến việc áp dụng vào hoạt động đào tạo nghề chưa hiệu quả. Một trong những khái niệm đó là “năng lực thực hiện”.
Lớp bồi dưỡng “Đổi mới phương pháp dạy học ở các cơ sở GDNN theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện” cho 40 nhà giáo dạy trình độ sơ cấp trong tỉnh. Ảnh: N.M
Theo TS Cao Danh Chính, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh người trực tiếp đứng lớp: Năng lực thực hiện là sự thực hiện công việc của nghề theo hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí. Dạy học theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện chính là dạy người học thực hiện các công việc của nghề và dùng các tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá người học đã đạt năng lực thực hiện hay chưa.
“Mục tiêu lớn nhất là sau khi hoàn thành lớp bồi dưỡng, các học viên có năng lực phát triển chương trình đào tạo nghề trình độ sơ cấp theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện (chương trình đào tạo theo chuẩn năng lực người hành nghề); thiết kế bài giảng, thực hiện bài dạy nghề và đánh giá kết quả học tập của học viên đều theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện”, ông Chính nhấn mạnh.
Vì là bồi dưỡng phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện nên các giảng viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh chọn cách thức truyền đạt trực quan, dễ hiểu, chú trọng vào việc thực hành. Theo đó, mỗi học viên tham gia lớp đều có cơ hội thực hành bằng cách chọn một kỹ năng công việc trong nghề do mình phụ trách đào tạo tại đơn vị, áp dụng các kiến thức mới tại lớp bồi dưỡng để trình giảng và sẽ nhận được góp ý, điều chỉnh của giảng viên, các học viên khác. Bằng cách này, lớp bồi dưỡng đã diễn ra sôi nổi, có tính tương tác cao.
Nhiều điều tâm đắc
Có 4 nhà giáo tham gia (gồm một lãnh đạo và 3 giáo viên phụ trách các nghề: Điện, May, Tin học), trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên huyện An Lão kỳ vọng qua lớp bồi dưỡng sẽ tích lũy được các kinh nghiệm quý giá, giàu tính thực tiễn cho hoạt động đào tạo nghề trình độ sơ cấp. Ông Nguyễn Văn Tương, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên huyện An Lão cho biết tâm đắc nhất với nội dung xác định được nhiệm vụ và công việc của nghề.
Ông Tương phân tích: “Từ trước đến giờ, các trung tâm như đơn vị chúng tôi chưa ý thức rõ về tầm quan trọng của việc xác định được hệ thống các nhiệm vụ, công việc của nghề để xây dựng một chương trình đào tạo hiệu quả. Sau bồi dưỡng, tôi và các giáo viên cũng hình thành cho mình các kỹ năng cần thiết như: thiết kế phương án dạy học, xây dựng quy trình để hướng dẫn cho người học làm ra sản phẩm và đánh giá việc thực hiện quy trình, đánh giá sản phẩm của người học để giúp người học thực sự hình thành năng lực thực hiện”.
Tại Điều 15 Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH (quy định về chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo GDNN), bên cạnh việc tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất, tham gia hội giảng các cấp, các nhà giáo GDNN cần phải tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề, công nghệ, phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu của GDNN.
Bà Hồ Thị Phương Châm, Phó trưởng phòng Việc làm và GDNN (Sở LĐ-TB&XH), cho biết: Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các hoạt động bồi dưỡng cho nhà giáo GDNN gặp nhiều khó khăn. Khóa bồi dưỡng lần này là một cơ hội để các nhà giáo dạy trình độ sơ cấp trong tỉnh có thể cập nhật các phương pháp mới, từng bước chuẩn hóa chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN.
NGUYỄN MUỘI