Sàng lọc ung thư vú dựa vào y tế cơ sở
“Ung thư vú (UTV) không thể chữa bằng đắp lá, uống cây cỏ được”, “nếu sờ thấy cái u ở vú và đi khám bác sĩ liền thì có thể chữa khỏi”, “UTV không phải bệnh lây, đàn ông cũng có bị UTV”... đó là những câu trả lời đầy tự tin của nhiều chị em người dân tộc thiểu số sau khi tham gia chương trình sàng lọc UTV dựa vào y tế cơ sở cho phụ nữ triển khai tại thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh.
Phụ nữ thực hành khi tham gia chương trình tập huấn sàng lọc UTV tại thị trấn Vân Canh. Ảnh: Sở Y tế
TS Nguyễn Thị Như Tú (Sở Y tế) cho biết: UTV là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ tại Bình Định cũng như Việt Nam nói chung, đa số người bệnh nhập viện ở giai đoạn rất muộn. UTV có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp. Do vậy, việc tầm soát, phát hiện sớm UTV cho phụ nữ từ 30 - 60 tuổi là rất quan trọng bởi đây là độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao.
Chương trình can thiệp, sàng lọc UTV dựa vào y tế cơ sở được triển khai tại thị trấn Vân Canh từ tháng 10.2020, gồm 4 hoạt động chính: Đào tạo tập huấn, truyền thông, giám sát, sàng lọc và chuyển tuyến. Việc triển khai đồng bộ giữa tuyên truyền, hướng dẫn chị em, đặc biệt sự vào cuộc xuyên suốt, nhịp nhàng của hệ thống y tế từ cơ sở đến tỉnh đã thay đổi một cách toàn diện và có ý nghĩa về kiến thức của phụ nữ tại thị trấn Vân Canh đối với bệnh UTV.
Một số chị em đã biết cách tự kiểm tra vú hằng tháng, đi khám lâm sàng tuyến vú để phát hiện sớm UTV, chủ động đi chụp X-quang tuyến vú khi phát hiện dấu hiệu bất thường. Cán bộ chi hội phụ nữ thôn sau khi được đào tạo, tập huấn cũng tích cực, tự nguyện tuyên truyền rộng rãi cho bà con về UTV.
Chương trình can thiệp áp dụng tại thị trấn Vân Canh là mô hình đầu tiên tại Bình Định, thực hiện lồng ghép hai giải pháp tác động cùng lúc, vừa truyền thông, giáo dục sức khỏe để nâng cao kiến thức vừa cải thiện khả năng cung cấp dịch vụ sàng lọc sẵn có, thuận tiện tại địa phương để tăng độ bao phủ, tăng số lượng phụ nữ được khám sàng lọc UTV.
Từ mô hình, việc triển khai khám lâm sàng tuyến vú được đánh giá là phù hợp với điều kiện nhân lực của ngành y tế tỉnh và có thể triển khai rộng rãi.
HỒNG HÀ