Cải cách hành chính ở huyện Tây Sơn: Quyết tâm tạo kết quả bền vững, thực chất
Không hài lòng, thỏa mãn với kết quả đã đạt được, huyện Tây Sơn xác định cần tiếp tục tập trung cao độ cho công tác cải cách hành chính, tạo ra kết quả bền vững, thực chất.
Tây Sơn đã có bước tiến dài trên bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2021 khi xếp thứ 4/11 huyện, thị xã, thành phố. Đây là thành tích rất ấn tượng so với năm 2020 (xếp thứ 8) và 2019 (xếp cuối bảng).
Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện CCHC, nhất là ở khối các xã, thị trấn của địa phương này. Trưởng Phòng CCHC và Văn thư lưu trữ (Sở Nội vụ) Lâm Trường Định nêu ra một số vấn đề cần sớm khắc phục: Kế hoạch CCHC hằng năm của các địa phương na ná nhau, chưa cụ thể, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn; quá trình hiện đại hóa nền hành chính còn những cách làm mang tính chủ quan, hình thức, như chủ tịch UBND xã giao chữ ký số cho nhân viên cấp dưới giữ…
Tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa huyện Tây Sơn. Ảnh: H.N
Theo Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng, CCHC sẽ chỉ mang tính hình thức, hô hào trên giấy nếu không mang lại chuyển biến thực chất trong thực tế với lợi ích thiết thực cho người dân, DN. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, vai trò của người đứng đầu vẫn là quan trọng nhất, từ đó kéo theo sự thay đổi trong cung cách làm việc, phục vụ của đội ngũ trực tiếp thực thi nhiệm vụ CCHC.
“Đặc biệt là những người làm việc ở bộ phận Một cửa phải xác định tâm thế mình phục vụ nhân dân, biết “xin lỗi”, “xin cảm ơn”… không để hồ sơ trễ hẹn vì lý do chủ quan. Đừng lấy cớ tỉnh quy định thời hạn giải quyết 5 ngày mà không cố gắng rút xuống còn 3 - 4 ngày. Tinh thần là vì dân phục vụ, tạo thuận lợi nhất có thể cho người dân”, ông Hùng nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Ngọc Mai, Trưởng bộ phận Một cửa của UBND huyện Tây Sơn, cho biết đơn vị sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến qua đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức và công dân để tổ chức thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của bộ phận Một cửa. Qua đó, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính.
Trong năm 2022, huyện Tây Sơn yêu cầu triển khai xây dựng mới bộ phận một cửa cho các xã Tây Thuận, Tây Bình, Tây Vinh, Bình Thành, Vĩnh An; sửa chữa lại đối với xã Tây Giang. Bên cạnh đó là đầu tư trang thiết bị cho bộ phận một cửa cấp xã theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm và phát huy hiệu quả sử dụng cao nhất. Ví dụ như, bộ phận Một cửa xã Vĩnh An mỗi ngày chỉ nhận 3 - 4 hồ sơ đơn giản, không nhất thiết phải có máy lấy số thứ tự như ở thị trấn Phú Phong.
Một vấn đề đáng lưu tâm khác là lượng hồ sơ tiếp nhận, chuyển trả qua dịch vụ bưu chính công ích ở cấp xã quá thấp (cả năm 2021 chỉ phát sinh 4 hồ sơ ở Bình Thành, Bình Tân, Vĩnh An, Tây Xuân). Ông Phan Chí Hùng cho rằng, khâu tuyên truyền chưa tốt, chưa tạo được niềm tin trong nhân dân. Ngay cả ở các vùng xa xôi, cách trở như Vĩnh An, người dân vẫn chưa lựa chọn dịch vụ bưu chính công ích để tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với bộ phận một cửa các cấp để nâng cao lượng hồ sơ phát sinh qua dịch vụ bưu chính công ích. Đồng thời, tìm hiểu các thủ tục hành chính liên thông để đề xuất, triển khai đồng bộ việc luân chuyển hồ sơ nội bộ từ xã lên huyện, từ huyện lên tỉnh và ngược lại”, Phó Giám đốc Bưu điện huyện Tây Sơn Võ Đức Vương cho hay.
Và, giải pháp rất quan trọng để duy trì, đảm bảo kết quả CCHC thực chất là làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra. Trưởng Phòng Nội vụ huyện Mai Xuân Hậu cho biết sẽ tham mưu UBND huyện chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất để giám sát hiệu quả, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hóa công sở tại các đơn vị, địa phương.
HOÀI NHÂN