Xã hội hóa trong xây dựng nhà văn hóa thôn:
Hướng đi hiệu quả, thiết thực
Hiện nay, tại một số xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nếp sống văn minh, người dân tích cực ủng hộ chủ trương xã hội hóa trong xây dựng nhà văn hóa thôn. Nhờ vậy, nhiều thôn đã có nhà văn hóa khang trang, góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở.
Người dân chung tay
Thôn Đông Lâm là địa phương đầu tiên ở xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn được chọn “thí điểm” xã hội hóa, huy động các nguồn vốn để xây dựng nhà văn hóa thôn. Ông Nguyễn Phương Hòa, Bí thư chi bộ thôn Đông Lâm, cho biết: Khi được UBND xã Nhơn Lộc hỗ trợ 30 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa thôn nhân dân rất mừng, nhưng để có nhà văn hóa thôn “coi được” kinh phí xây dựng cũng phải vài trăm triệu đồng. Vậy là số kinh phí còn lại khá lớn phải dựa vào dân.
Chi ủy thành lập Ban vận động xây dựng nhà văn hóa thôn với sự tham gia của nhiều thành phần, tổ chức họp dân để tuyên truyền vận động ủng hộ xây dựng nhà văn hóa thôn phục vụ cộng đồng… Nhờ sự chung tay của người dân trong thôn cùng những người đang làm ăn thành đạt ở xa cũng gửi tiền về đóng góp. Nhà văn hóa thôn Đông Lâm đã được xây dựng khang trang và khánh thành vào tháng 8.2012, tổng kinh phí đầu tư xây dựng gần 220 triệu đồng (chưa kể trang thiết bị bên trong).
Học tập theo thôn Đông Lâm, các thôn An Thành, Tráng Long ở xã Nhơn Lộc đã vận động người dân ủng hộ xây dựng nhà văn hóa. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Trưởng thôn Tráng Long, cho biết: “Nhà văn hóa thôn đã được xây dựng và đi vào hoạt động gần 1 năm nay, với tổng kinh phí đầu tư 300 triệu đồng. Trong đó, 100 triệu đồng là kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, còn lại là huy động đóng góp tự nguyện của người dân…”. Sau các thôn trên, ngày 23.5 vừa qua, nhà văn hóa cộng đồng thôn Cù Lâm (Nhơn Lộc) cũng được khánh thành. Nhà văn hóa này được xây dựng mới đẹp trên tổng diện tích 145m2, tổng kinh phí đầu tư 460 triệu đồng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ và vận động nhân dân đóng góp chỉ mới có 210 triệu đồng, còn lại 250 triệu đồng thì nhà thầu xây dựng cũng đã hỗ trợ bằng cách cho “trả góp” từ nguồn vận động con em thôn Cù Lâm thành đạt ở xa tiếp tục ủng hộ…
Ở huyện Hoài Nhơn, người dân xã Hoài Hương (đã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới) cũng đóng góp tích cực xây dựng nhà văn hóa thôn. Tiêu biểu là thôn Thiện Đức Đông, gia đình ông Trần Ngộ đã hiến tặng khu đất 1.500m2 để xây dựng nhà văn hóa thôn. Sau khi có mặt bằng, nhân dân trong thôn Thiện Đức Đông cùng nhau đóng góp gần 1/3 trong tổng số kinh phí 400 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa thôn. Không chỉ ủng hộ xây dựng nhà văn hóa, một số cá nhân còn đóng góp thêm 70 triệu đồng mua máy tính, xây dựng công trình vệ sinh, tường rào, sân khấu, trang thiết bị nội thất…
Góp phần nâng cao đời sống văn hóa khu dân cư
Ông Trương Văn Thanh (63 tuổi), thôn Đông Lâm, cho biết: “Nhà văn hóa thôn mới đã góp phần thu hút bà con đến tham gia các buổi hội họp, sinh hoạt. Một số cuộc thi ca hát cũng được tổ chức tại nhà văn hóa góp phần phát triển phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương. Vào những dịp Trung thu hay ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6, các cháu thiếu nhi đến nhà văn hóa vui chơi thỏa thích”. Hiện tại, nhà văn hóa thôn Đông Lâm đang xây thêm một phòng truyền thống để tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương với tổng kinh phí 70 triệu đồng, trong đó vận động người dân đóng góp 25 triệu đồng. Trong khuôn viên còn rộng của khu văn hóa thôn Đông Lâm được xây dựng sân bóng chuyền, sắp đến sẽ thêm sân cầu lông để phục vụ nhu cầu rèn luyện thể thao của người dân.
Hơn một năm qua, người dân thôn Thiện Đức Đông rất phấn khởi khi có được nhà văn hóa, có chỗ hội họp, sinh hoạt cho nhân dân. Ông Lê Văn Sơn, người dân của thôn, tâm sự: “Trước đây mỗi lần hội họp trong thôn đều phải mượn tạm nhà thờ trong nghĩa trang liệt sĩ của xã Hoài Hương, nên có nhiều điểm bất tiện. Nay có nhà văn hóa việc họp dân được tổ chức tốt hơn”.
HOÀI THU