PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA”:
Nâng cao tính thiết thực, đi vào thực tế đời sống
Năm 2021, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã triển khai sâu rộng đến các địa phương gắn với nhiều chương trình thiết thực; góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, tạo tính gắn kết trong cộng đồng.
Chuyển biến rõ rệt
Ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết: Là huyện miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, huyện gắn Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (Phong trào) với gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Đáng chú ý, các xã Canh Liên, Canh Hòa, Canh Thuận… có đồng bào dân tộc Bana, Chăm H’roi sinh sống triển khai phong trào này rất hiệu quả.
Đơn cử, ở xã Canh Liên, đến nay, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan như cúng bái khi đau ốm, thói quen sử dụng nhiều rượu - bia trong sinh hoạt hằng ngày… trong cộng đồng dân cư gần như không còn. Việc xây dựng thôn, tổ văn hóa trở thành phong trào sôi nổi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, gìn giữ văn hóa truyền thống. Những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc như sinh hoạt cồng chiêng, nghề đan lát, đan gùi, dệt thổ cẩm... cũng được gìn giữ, phát huy. Vai trò của già làng, người tiêu biểu trong tuyên truyền, vận động, giáo dục con em học tập nếp sống văn minh, tiến bộ cũng được địa phương chú trọng. Cuối năm 2021, tỷ lệ gia đình văn hóa ở xã đạt hơn 94% (709/788 hộ).
Đường liên thôn Dương Thiện (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) được thảm bê tông nhựa phẳng phiu. Ảnh: A.N
Ông Đinh Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Liên, cho biết: “Để có kết quả này, cán bộ đã trực tiếp xuống cơ sở nắm địa bàn, “cầm tay chỉ việc”, từng bước giúp bà con thay đổi nhận thức, tiếp cận với nếp sống mới, xóa dần các tệ nạn và hủ tục; duy trì nếp sống văn hóa lành mạnh”.
Năm 2021, toàn tỉnh có 1.060/1.116 khu dân cư được công nhận danh hiệu “làng văn hóa, thôn văn hóa, khu phố văn hóa” (đạt tỷ lệ hơn 94%); 84/126 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 18/33 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 1.258 cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa (đạt tỷ lệ gần 75%)…
Phong trào ở huyện Tuy Phước cũng chuyển biến rất tích cực, tạo động lực mạnh mẽ, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo ANTT, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thay đổi diện mạo quê hương, thúc đẩy KT-XH phát triển. Năm 2021, huyện có 99% thôn/khu phố bảo lưu danh hiệu văn hóa; 100% thị trấn đạt chuẩn, bảo lưu danh hiệu chuẩn văn minh đô thị; 11/11 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới… Ông Huỳnh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, chia sẻ: “Sau nhiều năm triển khai, đến nay Phong trào đã phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của nhân dân và cả hệ thống chính trị. Nhờ đó, chính quyền các địa phương đã huy động tối đa các nguồn lực; đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư xây dựng các thiết chế, cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân”.
Tiêu biểu như thôn Dương Thiện, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) huy động nhân dân và nhà hảo tâm đóng góp hơn 85 triệu đồng để duy trì mô hình “Thắp sáng đường quê”, góp phần đảm bảo ATGT, ngăn chặn tệ nạn xã hội. Cùng đó, là phong trào người dân hiến đất để mở rộng các tuyến đường liên xóm, liên thôn diễn ra khá sôi nổi, tạo bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang.
Nâng cao chất lượng phong trào
Theo ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, Phong trào được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc. Nhiều làng nghề, nghề truyền thống được bảo tồn, phát huy, phát triển, góp phần xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn. Các loại hình di sản văn hóa được bảo vệ, giữ gìn và khai thác sử dụng trong quá trình xây dựng làng, khu phố, thôn văn hóa.
Tỉnh ta phấn đấu đến năm 2026 có 80% người dân được nâng cao mức hưởng thụ, tham gia các hoạt động văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; 80% cấp xã có nhà văn hóa - khu thể thao; 50% phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; 80% thôn, làng, khu phố giữ vững danh hiệu văn hóa; 80% cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa; 100% thư viện, bảo tàng cấp tỉnh thực hiện số hóa tư liệu, hiện vật; 85% gia đình giữ vững danh hiệu “gia đình văn hóa, tiêu biểu, hạnh phúc”…
Để Phong trào đi vào thực chất, phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt trong giai đoạn 2021 - 2026, tại một hội nghị mới đây của ngành VH-TT, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương cần vào cuộc đồng bộ. Trong đó, Sở VH&TT gắn phong trào với mô hình tiêu biểu, hướng tới xây dựng gia đình văn hóa, thôn, xã văn hóa tiêu biểu; tập trung nguồn lực xây dựng thiết chế văn hóa… LĐLĐ tỉnh phối hợp với Sở VH&TT công nhận cơ quan, đơn vị, DN văn hóa để từng bước nâng cao văn hóa công sở. Các địa phương tiếp tục gắn phong trào với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
TRỌNG LỢI