Nhiều thay đổi lớn trong chương trình lớp 10, phụ huynh, học sinh cần biết
Từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 sẽ không phải học Lịch sử hay Hoá học, Sinh học... nếu không muốn, nhưng có thể chọn thêm nhiều môn học khác như Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Thay đổi trong chọn môn học
Chương trình mới ở bậc THPT sẽ được bắt đầu triển khai từ năm học 2022-2023 đối với lớp 10, áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo với lớp 11 và 12 có rất nhiều điểm đổi mới cơ bản so với trước đây.
Chương trình học lớp 10 năm tới có nhiều thay đổi khác biệt so với chương trình trước đây. Ảnh: Huyên Nguyễn
Nếu như ở chương trình hiện hành, học sinh phải học 17 môn và hoạt động giáo dục (tính cả môn tự chọn là 18). Còn với chương trình mới, học sinh sẽ học ít môn hơn và được lựa chọn theo năng khiếu, sở thích của mình.
Đây là điểm mới hoàn toàn so với hiện tại, với định hướng nghề nghiệp rất cao.
Trong đó, 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm: Ngữ văn (105 tiết), Toán (105 tiết), Ngoại ngữ 1 (105 tiết), Giáo dục thể chất (70 tiết), Giáo dục quốc phòng và an ninh (35 tiết), Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (105 tiết), Nội dung giáo dục của địa phương (35 tiết).
Cùng với đó, học sinh có quyền chọn 5 môn học lựa chọn khác sẽ lấy từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học) gồm: nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (trong Nghệ thuật có Âm nhạc và Mĩ thuật). Mỗi môn có thời lượng 70 tiết.
Một điểm khác biệt nữa là học sinh phải lựa chọn ba cụm chuyên đề (105 tiết) sao cho phù hợp với nguyện vọng bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Tổng số tiết học/năm học (không kể các môn học tự chọn) là 1.015 tiết. Số tiết trung bình/tuần (không kể các môn học tự chọn) là 29 tiết.
Ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc và lựa chọn trên, chương trình có hai môn tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số (105 tiết), Ngoại ngữ 2 (105 tiết).
Theo giải thích của Bộ GDĐT, môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là môn học mà mọi học sinh đều phải học và hoạt động giáo dục mà mọi học sinh đều phải tham gia.
Môn học lựa chọn là môn học được học sinh chọn theo định hướng nghề nghiệp.
Môn học tự chọn là môn học không bắt buộc, được học sinh chọn theo nguyện vọng.
Có trên 80 tổ hợp lựa chọn môn học
Ông Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) cho biết nếu theo cách chọn các môn học lựa chọn này thì theo một thống kê mới đây sẽ có hơn 80 tổ hợp môn lựa chọn. Chính vì thế, việc phụ huynh học sinh hoang mang là điều tất nhiên, ngay cả nhiều người làm giáo dục còn hoang mang.
"Một học sinh không chọn môn Lịch sử thì sao để đúng là người Việt Nam đây? Các nước trên thế giới đều đề cao môn Lịch sử nhưng khi chúng ta đưa môn này vào tự chọn thì khó. Liệu rằng, chúng ta sẽ phải giáo dục lòng yêu nước, cội nguồn dân tộc, lịch sử đất nước, quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta như thế nào đây nếu các em không chọn môn học này?", ông Phú nói.
Ngoài ra, vị hiệu trưởng cũng chỉ ra rằng khi công tác tư vấn không tốt còn gây lãng phí sách giáo khoa bởi thói quen của phụ huynh là mua cả bộ sách về nhưng rồi sẽ có những môn không học.
(Theo Huyên Nguyễn/LĐO)