Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025: Chú trọng vùng lõi nghèo, chủ động, linh hoạt thích ứng
Bước vào giai đoạn giảm nghèo mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chú trọng vùng lõi nghèo và ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số. Chính quyền và người dân các huyện miền núi cần hết sức chủ động và linh hoạt thích ứng để đảm bảo mục tiêu giảm nghèo đã đề ra.
Vùng lõi nghèo của tỉnh Bình Định là 3 huyện miền núi: Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão. Riêng An Lão là huyện nghèo duy nhất của tỉnh theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ban hành ngày 15.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025).
Nhiều áp lực
Căn cứ vào kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, trong số 3 huyện miền núi, Vĩnh Thạnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất với 3.872 hộ, chiếm 38,39%. Tiếp đến là An Lão với 3.313 hộ, chiếm 36,13% và Vân Canh là 2.716 hộ, chiếm 30,58%. Với hộ cận nghèo, Vân Canh đứng đầu với 2.019 hộ (tỷ lệ 22,73%), tiếp đến là An Lão 1.760 hộ (19,2%) và Vĩnh Thạnh 1.876 hộ (18,6%).
Mô hình trang trại tổng hợp (nuôi vịt xiêm, chim trĩ, heo, trồng rau sạch, nấu rượu…) của người dân xã Canh Hiển (huyện Vân Canh). Ảnh: PHAN TUẤN
Các huyện đã đề ra mục tiêu giảm nghèo trong năm 2022 như sau: Huyện Vân Canh giảm tỷ lệ hộ nghèo 4 - 5%, huyện An Lão giảm 6%, huyện Vĩnh Thạnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 32%.
Quyết tâm, mục tiêu đã có, nhưng lãnh đạo các địa phương đều thừa nhận áp lực không hề nhỏ. Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục tác động không tốt đến các hoạt động phát triển KT-XH, khiến một bộ phận hộ nghèo, cận nghèo thêm khó khăn. Những hộ mới thoát nghèo đối mặt với nguy cơ tái nghèo, vì thiếu việc làm, việc làm không ổn định, vì vậy kết quả giảm nghèo không bền vững.
Bên cạnh đó, một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo. Một số địa phương còn nặng về thành tích xây dựng nông thôn mới nên việc rà soát, đánh giá chưa phản ánh đầy đủ thực trạng đời sống của một bộ phận người dân, khu dân cư.
Trong khi đó, nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021 bố trí thấp (chỉ có một số huyện miền núi, trung du thụ hưởng), năm 2022 chưa được bố trí, dẫn đến việc một số mô hình, dự án giảm nghèo bền vững chưa được triển khai theo kế hoạch của các địa phương. Chính quyền địa phương một vài nơi còn trông chờ nguồn kinh phí cấp về mới triển khai thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo, chưa chủ động bố trí từ nguồn kinh phí địa phương hoặc huy động nguồn lực ngoài ngân sách; một số có bố trí nhưng còn thấp, số hộ hưởng lợi ít, hiệu quả chưa cao.
Biến áp lực thành động lực
Cả 3 huyện miền núi đều rất chú trọng công tác tuyên truyền về giảm nghèo, xác định đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng và toàn xã hội. Nếu làm tốt sẽ góp phần đẩy lùi tư tưởng ỷ lại, không chịu thoát nghèo của cả cán bộ cơ sở và người dân. Trong năm 2021, do dịch Covid-19 nên công tác tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn. Vậy nên, năm 2022 này, các huyện đều có kế hoạch tăng cường, đẩy mạnh.
Mong muốn giảm tỷ lệ hộ nghèo 4 - 5%, huyện Vân Canh vừa nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển KT-XH với những giải pháp cụ thể. Huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2021 - 2025; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại, gia trại; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, trong đó phát huy tiềm năng lợi thế của Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định để thu hút các nhà đầu tư.
Với Vĩnh Thạnh, huyện tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn và hộ nghèo. Theo Trưởng phòng LĐ-TB&XH Đặng Hữu Lập, huyện ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, hướng dẫn người nghèo tiếp cận các dịch vụ, các nhu cầu xã hội cơ bản để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống; đào tạo nghề cho người nghèo lồng ghép vào đào tạo nghề lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm.
An Lão - huyện nghèo duy nhất của tỉnh trong năm nay đặt mục tiêu giảm nghèo khá cao. Để đạt mục tiêu đó, huyện có kế hoạch hỗ trợ phát triển các mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế, tạo việc làm tốt, có thu nhập bền vững, thích ứng với thời tiết, thiên tai dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
“Huyện tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao nhận thức, thay đổi cách làm ăn, hỗ trợ pháp lý cùng với dạy nghề để các hộ nghèo tự lực vươn lên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người lao động tham gia xuất khẩu lao động tăng thu nhập, tiến tới giảm nghèo bền vững. Chúng tôi cũng tuyên truyền nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, lấy ý kiến của người dân để thực hiện hiệu quả các chương trình…”, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão Đinh Văn Phú cho biết.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hùng, việc quan tâm đến hộ nghèo cần xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo.
“Giai đoạn trước hướng đến hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân đơn lẻ thì giai đoạn này hướng tới phát triển mô hình, dự án cho người dân. Trách nhiệm địa phương theo đó lớn hơn khi phải tham gia vào việc hình thành quy hoạch vùng, xác định những mô hình sản xuất, chăn nuôi quy mô lớn. Dù vậy, hãy biến áp lực thành động lực và xem đó là cơ hội để bứt phá, phát triển bền vững. Thay vì ngồi chờ, các địa phương hãy sẵn sàng mọi việc để khi có nguồn lực thì bắt tay vào triển khai thực hiện ngay và đúng hướng”, ông Hùng nhấn mạnh.
NGỌC TÚ