Xóa bỏ lò sản xuất gạch ngói thủ công ở Tây Sơn: Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp
Theo Quyết định số 48/2013/QÐ-UBND ngày 20.12.2013 của UBND tỉnh (quy định lộ trình và chính sách hỗ trợ chấm dứt hoạt động sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh), đến cuối năm 2016 phải chấm dứt hoàn toàn hoạt động sản xuất gạch ngói thủ công. Tuy nhiên, đến nay huyện Tây Sơn vẫn chưa thực hiện được.
Có mặt tại xã Bình Nghi, “thủ phủ” sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công (gọi tắt là lò sản xuất gạch ngói thủ công - SXGNTC) của huyện Tây Sơn những ngày này, không khó để nhận ra không khí sản xuất hết sức nhộn nhịp. Rất nhiều lò SXGNTC đang nổi lửa, nhả khói. Công nhân làm việc hối hả, xe chở gạch, chở nguyên liệu vẫn vào ra tấp nập. Như vậy, việc để các lò SXGNTC tiếp tục hoạt động như hiện nay là trái với quy định.
Các chủ lò đều biết chủ trương xóa bỏ lò SXGNTC nhưng vẫn tiếp tục sản xuất. Ảnh: H.P
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến đầu tháng 3.2022, huyện Tây Sơn đã hoàn thành xóa bỏ 856 lò SXGNTC; còn 102 lò chưa thực hiện tháo dỡ, trong đó có 94 lò đang hoạt động, tập trung ở hai xã Bình Nghi và Tây Xuân. Hầu hết các chủ lò SXGNTC đều biết về chủ trương xóa bỏ nhưng vẫn tiếp tục sản xuất vì đây là nghề mang lại thu nhập ổn định.
Chủ tịch UBND xã Bình Nghi Đỗ Văn Định chia sẻ rằng chính quyền xã vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu đối với vấn đề này. “Số lượng lò SXGNTC cùng lượng lao động “ăn theo” tại địa phương quá lớn. Chúng tôi đã nhiều lần mời chủ các lò lên đối thoại cũng như xuống tận lò để tuyên truyền nhưng các hộ vẫn không tự giác tháo dỡ, tiếp tục sản xuất. Địa phương đang chờ hướng dẫn của huyện và sẽ phối hợp với các ngành chức năng để giải quyết”, ông Định nói.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Anh Sơn, nguyên nhân chủ yếu đến nay huyện Tây Sơn chưa thể xóa bỏ hết lò SXGNTC theo lộ trình là do số lượng cơ sở SXGNTC quá lớn, phân bổ trên địa bàn rộng. Hơn nữa, nhiều hộ nhận thấy nhu cầu sử dụng vật liệu gạch ngói lớn, giá cao, nên cố tình kéo dài thời gian hoạt động. Ngoài ra, đặc thù sử dụng nhân công tại chỗ, trong phạm vi gia đình, hoạt động sản xuất theo mùa vụ, không có điều kiện chuyển đổi ngành nghề và chế tài xử lý trong tháo dỡ lò SXGNTC còn gặp một số vướng mắc cũng là nguyên nhân.
Ông Sơn nhấn mạnh: “Việc không triển khai dứt điểm công tác xóa lò SXGNTC trên địa bàn huyện Tây Sơn đã ảnh hưởng đến kết quả chung của việc thực hiện Nghị quyết 25/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc ban hành quy định lộ trình và chính sách hỗ trợ chấm dứt hoạt động SXGNTC trên địa bàn tỉnh. Việc này cũng gây ra sự so sánh từ những hộ đã chấp hành tốt chủ trương chung của Chính phủ và tỉnh. Vì vậy, huyện Tây Sơn phải nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa trong triển khai các biện pháp xóa bỏ các lò SXGNTC trong năm 2022”.
Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng cho biết: Về cơ sở pháp lý để cưỡng chế các lò hiện nay rất khó. Còn các giải pháp như: Ngưng cung cấp điện, nước; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các nguồn cung nguyên liệu, thu hồi tất cả các giấy phép đăng ký sản xuất kinh doanh… đều đã thực hiện nhưng không mang lại hiệu quả cao. Một phần cũng do các chủ lò SXGNTC nằm trong 2 cụm công nghiệp (CCN) Hóc Bợm và Tây Xuân có tâm lý chờ các DN vào đầu tư để được giải phóng mặt bằng, thỏa thuận nhận mức đền bù cao hơn.
Đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác tháo dỡ các lò SXGNTC đúng theo lộ trình. Tổng số lò gạch đã được tháo dỡ toàn tỉnh là 1.112/1.214 lò, đạt 91,5%. Riêng trên địa bàn huyện Tây Sơn đã tháo dỡ 856/958 lò với tổng chi phí hỗ trợ hơn 15,1 tỷ đồng; 102 lò chưa thực hiện tháo dỡ theo quy định, chi phí chưa thực hiện hỗ trợ còn lại là 550 triệu đồng.
Huyện Tây Sơn đã gửi thông báo yêu cầu trả lại đất cho Nhà nước quản lý đến 22 lò SXGNTC nằm ngoài CCN. Hiện đã hết thời hạn theo thông báo, UBND huyện sẽ chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng kế hoạch, phương án cưỡng chế cụ thể để ban hành quyết định cưỡng chế theo thẩm quyền. Đồng thời, huyện cũng sẽ tăng cường kêu gọi các dự án đầu tư vào CCN Hóc Bợm và CCN Tây Xuân, vừa lấp đầy diện tích thuê đất, vừa xóa bỏ lò SXGNTC cũng như giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
“Có một số DN đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để triển khai giải phóng mặt bằng, trong đó có việc xóa bỏ các lò SXGNTC để đầu tư sản xuất tại hai CCN này. Chúng tôi quyết tâm trong năm 2022 sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp để xóa bỏ một nửa số lò SXGNTC còn lại trên địa bàn”, ông Hùng cho biết.
HỒNG PHÚC