Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số và xã hội số
Chỉ đạo công tác cải cách hành chính, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đây là một nội dung trong thông báo ngày 22.3 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Theo thông báo, Thủ tướng Chính phủ xác định rõ năm 2022 phải tạo ra được bước đột phá trong cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân và doanh nghiệp để khơi dậy và huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các bộ, ngành, địa phương.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, hướng tới phát triển bền vững nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng với dịch bệnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo. (Ảnh: VPCP)
Cũng trong kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát quy trình, quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí về thủ tục hành chính trong các cấp, các ngành, nội bộ cơ quan, loại bỏ những quy định không cần thiết để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và sự phối hợp giữa các cơ quan.
Nâng cao hiệu quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; nâng cao tinh thần, trách nhiệm và sự thân thiện của đội ngũ công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp khi tiếp xúc, hướng dẫn giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp.
Tập trung số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và triển khai Đề án đổi mới trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, hướng tới người dân chỉ phải cung cấp thông tin, giấy tờ một lần.
Đẩy mạnh mô hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt tập trung triển khai 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết hợp hiệu quả giữa hình thức làm việc trực tuyến và trực tiếp; đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT, chuyển đổi số, tập trung kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với ngành hải quan, thuế, ngân hàng, bảo đảm cắt giảm thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần, giảm chi phí.
Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số, Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, công dân số...
Thủ tướng giao Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng kết quả Chỉ số cải cách hành chính hàng năm, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm việc đánh giá chính xác, công bằng, tạo hiệu ứng tốt; khẩn trương hoàn thiện công tác chuẩn bị để tổ chức công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021.
Theo Bộ Nội vụ, trong năm 2021, cả nước cắt giảm, đơn giản hóa 1.101 quy định kinh doanh; đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 924 quy định và sửa đổi, bổ sung 166 văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 7 bộ. Việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại bộ phận một cửa các cấp được cải thiện theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, dân chủ và hiện đại.
Theo Vân Anh (Vietnamnet)