Sẵn sàng đối phó với cúm A (H7N9)
Trong lúc mối nguy cúm A (H5N1) vẫn đang chờ chực, ngành Y tế lại tất bật chuẩn bị đối phó với một loại cúm mới xuất hiện - cúm A (H7N9).
Tính đến chiều 17.4, tại Trung Quốc đã ghi nhận 77 trường hợp mắc cúm A (H7N9), trong đó có 16 trường hợp tử vong. Là nước có chung đường biên giới với Trung Quốc, nguy cơ tác nhân gây bệnh xâm nhập vào Việt Nam là rất cao.
BVĐK tỉnh đã huy động nhiều lực lượng, sẵn sàng đối phó với dịch cúm.
- Trong ảnh: Cán bộ khoa Vi sinh, BVĐK tỉnh đang thực hiện xét nghiệm.
Nguy cơ “dịch chồng dịch”
Lần đầu tiên, cúm A (H7N9) xuất hiện trên người với các biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính tiến triển nhanh với sốt, ho, khó thở, viêm phổi nặng và suy hô hấp. Đặc tính của vi-rút cúm A là thường xuyên biến đổi thành chủng mới, dễ dàng lây truyền sang người.
Trên thế giới đã ghi nhận các dịch cúm A (H7) với nhiều trường hợp mắc và tử vong ở người. Hiện nay, chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng.
“Cúm A (H5N1) đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều dịch trên gia cầm ở nhiều địa phương và đã có ca tử vong ở người. Nếu có sự xuất hiện của cúm A (H7N9) nữa thì mối nguy càng tăng lên và công tác phòng chống dịch càng phức tạp hơn”, thạc sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, nhận định.
Theo thạc sĩ Lân, nguy cơ bệnh cúm A (H7N9) xâm nhập vào nước ta là rất cao. Cúm A (H7N9) là bệnh lây từ gia cầm sang người, trong khi đó tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm của gia cầm từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn đang khó kiểm soát. Tập quán chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, nuôi vịt thả đồng tạo điều kiện cho vi-rút dễ lây lan khi xuất hiện. Tình trạng mua bán, vận chuyển gia cầm không qua kiểm dịch; việc giết mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết vẫn còn phổ biến. Ý thức và thực hành vệ sinh phòng bệnh như rửa tay thường xuyên với xà phòng, vệ sinh nhà cửa, vệ sinh chăn nuôi… còn hạn chế.
Khu cách ly sàng lọc, điều trị bệnh nhân được bố trí tại khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh.
Tích cực phòng, chống
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, trước những diễn biến phức tạp của các chủng cúm A, Sở đã triển khai nhiều hoạt động ứng phó. “Sở đã lập kế hoạch, trình UBND tỉnh ban hành để huy động sự vào cuộc của nhiều lực lượng để phòng, chống hiệu quả. Công tác tập huấn về điều trị, giám sát, phát hiện dịch cũng được tiến hành ở nhiều cấp. Trong hôm nay (18.4), cán bộ y tế của tỉnh sẽ tham gia đợt tập huấn do Bộ Y tế tổ chức”, bác sĩ Hùng cho biết.
Ngành Y tế cũng tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế và các địa phương. Hoạt động này chính thức được khởi động với buổi kiểm tra thực tế tại BVĐK tỉnh vào chiều 16.4.
“Để đề phòng cúm A (H7N9), người dân phải thường xuyên rửa tay với xà phòng, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh; đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe”.
Thạc sĩ BÙI NGỌC LÂN, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh
Là đầu mối thu dung, điều trị, ngày 16.4, BVĐK tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch. Trước đó, bệnh viện đã tổ chức tập huấn phòng dịch cho toàn bệnh viện về các tiêu chuẩn chẩn đoán, xử trí, điều trị cách ly và các biện pháp phòng chống lây nhiễm cúm A (H7N9), cúm A (H5N1) tại bệnh viện… “Đặc biệt, bệnh viện đã tổ chức khu cách ly, sàng lọc điều trị bệnh nhân tại khoa Truyền nhiễm với 5 giường sàng lọc, 8 giường cách ly điều trị và 5 giường đệm. Đồng thời, chuẩn bị hậu cần, mua sắm trang thiết bị, thuốc men, hóa chất, dụng cụ bảo hộ cho nhân viên y tế tại các khu cách ly điều trị và các bộ phận liên quan”, bác sĩ Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, cho hay.
Các phương án cách ly, điều trị cũng đã được BVĐK tỉnh lên kế hoạch cụ thể. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Oanh, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, người bệnh viêm phổi nghi nhiễm/ nhiễm H7N9, H5N1 chuyển viện từ tuyến dưới sẽ được đưa ngay vào phòng điều trị cách ly bằng con đường riêng biệt, không cần qua khoa Khám hoặc phòng khám Truyền nhiễm. Trường hợp phát hiện tại bệnh viện thì lập tức áp dụng các biện pháp phòng lây nhiễm và đưa ngay vào phòng điều trị cách ly.
Tại buổi kiểm tra, bác sĩ Lê Quang Hùng lưu ý BVĐK tỉnh và Trung tâm Y tế dự phòng phải tăng cường phối hợp trong lấy mẫu bệnh phẩm (chất dịch ngoáy họng) để chẩn đoán xác định. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn phải chủ động lấy mẫu xét nghiệm để xử lý kịp thời trong trường hợp khẩn cấp.
NGUYỄN VĂN TRANG