Đề xuất bổ sung gần 900 biên chế cho ngành giáo dục
(BĐ) - Báo cáo UBND tỉnh với Bộ Nội vụ về việc giảm biên chế giáo viên giai đoạn 2015 - 2021, cho thấy lĩnh vực GD&ĐT năm 2015 có hệ thống mạng lưới 599 trường học, với 9.773 lớp, 310.697 học sinh, 19.573 người làm việc (trong đó có 16.344 giáo viên). Đến năm 2022, giảm còn 582 trường, với 9.879 lớp, 318.762 học sinh, 20.030 người (trong đó có 16.541 giáo viên).
UBND tỉnh đề nghị có quy định cụ thể về cơ chế quản lý biên chế của ngành giáo dục bảo đảm nguyên tắc có trường là phải có đủ giáo viên theo định mức quy định của ngành.
Năm 2026, UBND tỉnh dự kiến nhu cầu biên chế giáo viên cần bố trí của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (tính theo định mức của Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, Thông tư 16/2017/TTLT/TTBGDĐT) với tổng số 582 trường, 10.015 lớp, 327.079 học sinh, 20.030 người làm việc (trong đó có 16.541 giáo viên) thì biên chế sự nghiệp ngành giáo dục của tỉnh cần bố trí bổ sung theo định mức là 894 biên chế.
Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, năm 2015 có tổng số 30 trường, 836 lớp, 23.471 học sinh, 606 người (trong đó có 526 giáo viên). Đến năm 2022, tổng số trường giảm còn 14 trường, 838 lớp, 21.931 học sinh, 625 người (trong đó có 519 giáo viên). Dự kiến nhu cầu năm 2026 là 14 trường, 952 lớp, 24.443 học sinh, 310 người (trong đó có 262 giáo viên).
UBND tỉnh đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ có quy định cụ thể về cơ chế quản lý biên chế của ngành giáo dục bảo đảm nguyên tắc có trường là phải có đủ giáo viên theo định mức quy định của ngành, nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công.
MAI HOÀNG