Dịch Covid-19: Chuyển kiểm soát ca mắc sang ca nhập viện nguy cơ cao
Một trong số các điểm mới của Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 gồm: Chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong.
Nhân viên y tế thực hiện tiêm chủng. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Theo thông tin từ Bộ Y tế, căn cứ ý kiến chỉ đạo, góp ý, Bộ Y tế đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38/BQ-CP ban hành Chương trình phòng chống dịch Covid-19.
Hai trong số các điểm mới của chương trình gồm: Chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong; định hướng căn cứ tình hình dịch bệnh chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B...
Mục tiêu tổng quát của chương trình là đảm bảo kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng đồng, bảovệ tối đa sức khỏe tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do Covid-19 và khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.
Các mục tiêu cụ thể:
1. Bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19.
2. Kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19.
3. Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
4. Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19.
5. Bảo đảm thông tin, truyền thông phục vụ công tác phòng, chống dịch.
6. Bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của nhân dân.
Chương trình được thực hiện trong thời gian 2 năm 2022-2023. Trường hợp dịch bệnh kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài sang năm 2024, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét việc tiếp tục thực hiện Chương trình này hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Chương trình có 11 điểm mới gồm:
1. Chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong; giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19/1 triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của châu Á.
2. Định hướng căn cứ tình hình dịch bệnh chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.
3. Xác định tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 là tiêm chủng vắc xin toàn dân, miễn phí; giao Bộ Y tế xây dựng cơ chế xã hội hóa thuốc, vắc xin trình cấp có thẩm quyền quyết định.
4. Đưa ra các định hướng, giải pháp đáp ứng cho mọi tình huống dịch kể cả khi dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn.
5. Xác định chiến lược giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn.
6. Xác định các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện về phòng, chống dịch bao gồm lãnh đạo, chỉ đạo; y tế; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; an sinh xã hội; tài chính, hậu cần; bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phát triển KT-XH và ổn định đời sống của người dân; vận động và huy động xã hội; truyền thông, công nghệ thông tin; hợp tácquốc tế; nghiên cứu khoa học; triển khai các kịch bản theo tình huống dịch Covid-19.
7. Quy định việc ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư vào công tác phòng, chống dịch Covid-19.
8. Quy định thành lập Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 trên cơ sở Quỹ vắc xin phòng Covid-19.
9. Định hướng nâng cao năng lực của y tế dự phòng, y tế cơ sở, trong đó bao gồm việc áp dụng mức phụ cấp 100% đối với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở.
10. Quy định việc huy động cơ sở y tế ngoài công lập tham gia phòng, chống dịch.
11. Quy định rút gọn, đơn giản hóa hồ sơ chứng từ thanh toán; bãi bỏ các rào cản, chồng chéo, vướng mắc, bất cập hiện hành về chính sách thanh toán chi phí y tế cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Theo T.G (Vietnam+)