Nâng cấp hoàn thiện hạ tầng giao thông, cải thiện hệ thống y tế cơ sở
Cuối buổi sáng 23.3, các đại biểu (ÐB) HÐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiến hành thảo luận tại tổ về các báo cáo, đề án, tờ trình được trình bày tại kỳ họp lần thứ 5. Trong đó, các báo cáo, tờ trình liên quan đến lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, y tế và hỗ trợ thêm tiền ăn cho học sinh dân tộc thiểu số học nội trú được các ÐB tập trung thảo luận và nhất trí cao.
Quang cảnh buổi thảo luận tổ HĐND số 1. Ảnh: N. HÂN
Đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông là hết sức cần thiết
Tham gian góp ý đối với Tờ trình về xây dựng Đề án phát triển giao thông trên địa bàn tỉnh, ĐB Nguyễn Thị Tuyết (đơn vị Phù Cát) cho rằng: Đề án đã đánh giá đúng hiện trạng mạng lưới giao thông tỉnh nhà, cũng như kết quả đầu tư xây dựng hệ thống giao thông của tỉnh từ 2015 đến nay. Hiện trạng giao thông đang từng bước đáp ứng được nhu cầu giao thông vận tải, đảm bảo ATGT, kết cấu hạ tầng đồng bộ. Song để thực hiện thành công Đề án như mục tiêu đề ra, trước mắt chúng ta cần xem xét bổ sung, nâng cấp, sửa chữa thêm một số công trình giao thông trên địa bàn tỉnh.
ĐB Nguyễn Thị Tuyết (đơn vị Phù Cát) tham gia thảo luận tại tổ. Ảnh: KIỀU ANH.
Đa số các ĐB đều cho rằng, việc phát triển hệ thống giao thông cũng cần chú ý đến tính kết nối. Ví dụ, hệ thống giao thông kết nối vào cảng biển, nhà máy hay khu, cụm công nghiệp cần có tính liên thông để ngay từ khi đưa vào khai thác phát huy ngay hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng tham gia thảo luận tại tổ. Ảnh: N. HÂN
Đại biểu Nguyễn Văn Hùng (đơn vị Tuy Phước) góp ý: Định hướng không gian phát triển giao thông của huyện Tuy Phước là trung tâm đầu mối giao thông quan trọng tại cửa ngõ phía Tây Bắc của TP Quy Nhơn và vùng phát triển mở rộng của TP Quy Nhơn. Trong đó, việc hình thành các tuyến đường trục kết nối theo hướng Đông - Tây, Bắc - Nam kết nối với TX An Nhơn với huyện Tuy Phước, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trục chính liên vùng An Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước và phía Bắc TP Quy Nhơn, mở rộng không gian về phía Tây đầm Thị Nại, giao thương giữa đô thị An Nhơn, đô thị Cát Tiến, Khu kinh tế Nhơn Hội với huyện Tuy Phước và các vùng lân cận được thuận lợi, kìm chế TNGT.
“Tờ trình về Đề án phát triển mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trình kỳ họp lần này là rất quan trọng - có tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển của tỉnh nói chung và huyện Tuy Phước nói riêng. Tôi đề nghị UBND tỉnh nên xem xét quan tâm mở rộng tuyến ĐT 636 đoạn từ xã Phước Hòa đến Phước Quang”, đại biểu Hùng nói.
Còn đại biểu Trần Kim Vũ (đơn vị huyện Vân Canh) đề nghị bổ sung đầu tư xây dựng mới tuyến đường từ thị trấn Vân Canh đến xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) tạo điều kiện cho địa phương thông thương hàng hóa, phát triển KT-XH.
Giải trình về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh: Với mục tiêu xây dựng kế hoạch cụ thể phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh; trong đó, chú trọng triển khai đầu tư xây dựng một số công trình đảm bảo tính kết nối giữa các địa phương trong tỉnh; nâng cấp, cải tạo một số đoạn, tuyến đường tỉnh có mật độ lưu thông lớn đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Đề án sẽ mở ra cơ hội, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH thời gian đến.
Còn đối với những băn khoăn của ĐB về việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các cầu giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm, UBND tỉnh cũng đã có sự tính toán, cân nhắc trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó chú trọng đến những cầu lớn, tạo kết nối giao thông thật tốt. “Phần nào của tỉnh thì tỉnh làm, phần nào của địa phương thì địa phương làm, như vậy cùng với nguồn lực của tỉnh, của huyện, thị xã, thành phố và các nguồn vốn khác, việc xây dựng sẽ hoàn thiện dần”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh.
Nguồn: BTV
Quan tâm cải thiện hệ thống y tế cơ sở
Về nội dung sửa chữa, xây dựng mới các trạm y tế trên địa bàn tỉnh từ nguồn vốn hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt năm 2021 từ vốn ngân sách Trung ương, các ĐB cơ bản thống nhất chủ trương. Tuy nhiên để các công trình đạt mục tiêu sử dụng hiệu quả, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (đơn vị Phù Cát) cho rằng: “Nên căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ mà phân chia phù hợp để đạt hiệu quả tối đa của công trình. Cụ thể, có 3 cơ quan quản lý trong việc sửa chữa, xây dựng các trung tâm y tế đó là Sở Y tế, UBND cấp huyện và BQL Dự án dân dụng của tỉnh. Theo đó, những dự án có tính chuyên sâu nên giao Sở Y tế làm chủ đầu tư; còn việc sửa chữa đơn giản như tường rào, cổng ngõ thì giao UBND cấp huyện làm chủ đầu tư và một số dự án thuộc phạm vi lớn nhưng mang tính dân dụng không mang tính chuyên sâu về ngành Y tế thì chúng ta giao cho BQL Dự án dân dụng của tỉnh làm chủ đầu tư”.
Tổ đại biểu số 4 (gồm các đơn vị TX Hoài Nhơn, Hoài Ân và An Lão) thảo luận tại tổ. Ảnh H. PHÚC
Bên cạnh đó, các ĐB cũng dành phần lớn thời gian để thảo luận về chính sách thu hút bác sỹ, dược sỹ có tay nghề cao về địa phương. ĐB Phạm Tấn Thành (đơn vị huyện Phù Mỹ) nêu thực tế: “Chính sách thu hút, ưu đãi dược sỹ, bác sỹ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 tăng gấp 4 lần so với trước đó. Tuy nhiên vẫn chưa đạt nhu cầu đề ra. Đáng nói, tại một số trung tâm y tế như Vĩnh Thạnh, Hoài Ân hay An Lão hiện vẫn chưa thu hút được bác sỹ tay nghề cao nào về; hay như tại Bệnh viện Tâm thần Bình Định; Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bình Định, việc thu hút bác sỹ, dược sỹ tay nghề cao cũng rất ít. Vì vậy, theo tôi, chúng ta cần đánh giá lại để điều chỉnh, bổ sung, khắc phục các bất cập, hạn chế hơn là chỉ kéo dài nó mà không có sự điều chỉnh gắn với tình hình thực tế hiện nay.
Đại biểu Phạm Văn Nam (đơn vị An Lão) đánh giá cao tính thiết thực của Tờ trình về việc ban hành quy định mức hỗ trợ thêm tiền ăn cho học sinh dân tộc thiểu số học nội trú tại các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Ảnh H. PHÚC
Liên quan đến Tờ trình về việc ban hành quy định mức hỗ trợ thêm tiền ăn cho học sinh dân tộc thiểu số học nội trú tại các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh, ĐB Phạm Văn Nam (đơn vị huyện An Lão) bày tỏ niềm vui khi kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh quan tâm và trình cho HĐND tỉnh xem xét, thông qua. Theo ĐB Nam, hiện nay việc hỗ trợ học sinh người dân tộc thiểu số đang được thực hiện theo Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT giữa Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT. Theo đó, học sinh người dân tộc thiểu số được hưởng học bổng chính sách bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước trong 12 tháng trong năm. Tuy nhiên, sau khi trích 20% tiền vật dụng cá nhân, phần còn lại học sinh được hưởng hỗ trợ tiền ăn khoảng 32.000 đồng/người/ngày. Nếu ăn 3 bữa/ngày/người thì quá thấp.
Theo Tờ trình, ngân sách của tỉnh sẽ hỗ trợ thêm cho các em tiền ăn là 18.000 đồng/ngày, cộng với tiền hỗ trợ từ ngân sách trung ương thì mỗi em sẽ được hỗ trợ 50.000 đồng/ngày. “Tôi đánh giá đây là việc làm hợp lý và thiết thực; giúp các em cải thiện dinh dưỡng bữa ăn, nâng cao thể chất cũng như nâng cao chất lượng dạy và học. Tôi cũng mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm thêm việc nâng chế độ hỗ trợ học sinh người dân tộc thiểu số học tại các bậc học trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 4212 ngày 17.12.2014 của UBND tỉnh Quy định một số chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16.8.2004 của Bộ Chính trị. Bởi theo Quyết định này, mức hỗ trợ còn thấp và chênh lệch so với học sinh học nội trú. Cụ thể, học sinh người dân tộc thiểu số học bậc mầm non và mẫu giáo thì được hỗ trợ 120 nghìn đồng/người/tháng, còn học sinh bậc tiểu học, THCS không bán trú được hỗ trợ 20% và bán trú là 30% mức lương cơ bản”, ĐB Nam chia sẻ.
Liên quan đến Tờ trình về tiếp tục kéo dài thực hiện chính sách thu hút bác sĩ, dược sĩ, ĐB Huỳnh Bảo Nguyên (đơn vị Tây Sơn) góp ý thêm cần có tính toán, bổ sung thêm các chính sách đối với y bác sĩ, dược sĩ. Các chính sách này cần phải cụ thể về thời gian thực hiện, hình thức thực hiện để bác sĩ, dược sĩ hình dung cụ thể về đường hướng tương lai, yên tâm trở về công tác tại địa phương. Trong đó, cần có tính toán, tạo điều kiện trong môi trường làm việc, cơ chế tạo điều kiện học cao lên nữa, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ tại các bệnh viện lớn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh giải trình: Trước đây, tỉnh cũng đã có Nghị quyết về việc thực hiện chính sách này. Và theo nghị quyết, đến ngày 31.12.2021 thì hết hiệu lực. Về nguyên tắc thì sẽ làm tờ trình mới bổ sung cùng giai đoạn mới nhưng vì quy định Trung ương chưa cụ thể, hơn nữa tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nếu chờ chính sách mới ban hành giai đoạn 2021 - 2025 thì sẽ chậm. Vì vậy, trên cơ sở đề nghị của Sở Y tế, các sở, ngành thống nhất kéo dài nghị quyết này đến khi HĐND tỉnh ban hành chính sách mới và hiện tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu, trình hội đồng những nội dung cụ thể”.
NGUYỄN HÂN - HỒNG PHÚC - NGUYỄN MUỘI - KIỀU ANH