Quản lý chất thải F0 điều trị tại nhà: Khẩn trương tổ chức thu gom,vận chuyển và xử lý
Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm Covid-19 tăng cao, hầu hết số ca mắc thường không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng nhẹ nên được cách ly, điều trị tại nhà. Ðể tăng cường quản lý chất thải phát sinh từ các trường hợp này, Sở TN&MT và Sở Y tế khẩn trương xây dựng phương án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Chi cục BVMT, Sở TN&MT), cho biết: Sở TN&MT đã xây dựng dự thảo phương án gửi các huyện, thị xã, thành phố và các ngành liên quan đóng góp ý kiến để tổng hợp, sớm trình UBND tỉnh ban hành phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải của người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà. Việc triển khai cụ thể các mục việc sẽ do chính quyền các địa phương tổ chức thực hiện.
Công ty TNHH Thương Mại và Môi trường Hậu Sanh thu gom chất thải lây nhiễm tại nhà F0. Ảnh: Đ.PHƯƠNG
Theo dự thảo phương án, tất cả các loại rác thải (khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng và các vật dụng sử dụng một lần…) của F0 được coi là chất thải lây nhiễm. Chất thải được thu gom vào túi đựng chất thải có màu vàng, có dây để buộc chặt miệng túi. Túi được dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2” và được lưu giữ tại nhà không quá 72 giờ. Chất thải được thu gom, khử khuẩn và chuyển về các điểm tập kết tại địa phương và chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại.
Các địa phương bố trí người chuyên công tác thu gom các túi đựng chất thải lây nhiễm của F0 điều trị tại nhà. Hoặc có thể linh động giao cho đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã, phường, tổ Covid-19 cộng đồng, trạm y tế lưu động làm nhiệm vụ thu gom. Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải được bỏ vào thùng đựng có nắp đậy kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải làm phát tán mầm bệnh ra bên ngoài.
Tại cuộc họp về công tác tăng cường quản lý chất thải F0 điều trị tại nhà vào giữa tháng 3.2022, ông Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Môi trường Hậu Sanh, đơn vị duy nhất ở Bình Định được Bộ TN&MT cấp phép xử lý chất thải nguy hại, cho biết: Số trường hợp F0 điều trị tại nhà tăng quá nhanh, khác nhau về vùng cư trú nên rất khó thu gom, xử lý chất thải nguy hại. Tôi nghĩ, các địa phương thuộc khu vực trung du và đồng bằng nên sớm lên kế hoạch thu gom, chuyển chất thải từ nơi F0 cư trú đến trạm y tế xã, phường, sau đó đơn vị xử lý đến chuyển đi. Đối với các huyện miền núi thì tổ đưa chất thải về TTYT huyện, Công ty sẽ đến thu gom, vận chuyển về nhà máy xử lý.
Từ tháng 11.2021, TTYT TP Quy Nhơn ký hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại và Môi trường Hậu Sanh triển khai thực hiện, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải F0 điều trị tại nhà với tần suất 2 lần/tuần. Xe chuyên dụng có thùng chứa 240 lít, 660 lít đến tận nơi F0 cư trú để thu gom chất thải. Với các phường, xã ngoại thành khó tiếp cận, chất thải được đưa về trạm y tế, khu lưu giữ tạm thời do địa phương bố trí. Từ tháng 11.2021 - 2.2022, Công ty đã thu gom được hơn 56 tấn từ 19.537 điểm thu tại hộ gia đình. Riêng trong tháng 2.2022 thu gom tới 5,692 tấn/1.801 điểm thu.
Anh Thái Văn Sinh, ở nhà số 20 Đinh Liệt, phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) phát hiện mình nhiễm Covid-19 vào ngày 19.3 và hiện vẫn đang điều trị tại nhà, chia sẻ: Khi phát hiện mình mắc bệnh Covid-19, tôi khai báo tại trạm y tế phường. Ngoài thuốc uống, tôi còn được phát 2 túi đựng chất thải chuyên dụng. Trạm cũng báo trước cho tôi biết cụ thể thời điểm thu gom chất thải, 2 lần/tuần vào thứ Ba và thứ Sáu, nên tôi rất an tâm và không quá lo lắng nguy cơ lây nhiễm sang người khác do chất thải.
Ông Nguyễn Việt Cường cho biết thêm: Các địa phương phải đề xuất, bổ sung kinh phí dành cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải của F0, có tính đến phương án dự phòng trong trường hợp quá tải. Để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về chất thải liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các địa phương để hướng dẫn, định hướng trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải để phòng tránh dịch bệnh.
“Trên thực tế, có nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo y tế mà tự điều trị tại nhà nên công tác phân loại chất thải lây nhiễm không được thực hiện, để gộp chung với rác thải sinh hoạt. Điều này tạo nguy cơ lây nhiễm rất cao đối với công nhân vệ sinh môi trường cũng như khả năng bùng phát dịch. Công ty cũng trang bị đầy đủ mũ, găng tay, đồ bảo hộ, khẩu trang… cho công nhân để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm”.
Ông Nguyễn Tấn Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Môi trường Bình Định
“Lò đốt chất thải nguy hại của chúng tôi có công suất 400 kg/giờ, tương đương với 9,6 tấn/ngày. Khối lượng chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh chúng tôi thu gom được hiện ở mức khoảng 6 - 7 tấn/ngày, cá biệt cũng có khi lên tới 10 tấn/ngày, dẫn đến quá tải. Phần chất thải chưa xử lý kịp chúng tôi lưu trữ trong kho lạnh, đảm bảo an toàn, đúng kỹ thuật, yêu cầu về môi trường. Công ty đã có kế hoạch đầu tư xây dựng thêm một lò đốt nữa, công suất 900 kg/giờ, hiện đang chờ UBND tỉnh phê duyệt chủ trương. Sau đó Công ty sẽ làm hồ sơ đánh giá tác động môi trường gửi Bộ TN&MT thẩm định, có kết quả xong sẽ tiến hành đầu tư xây dựng”.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Môi trường Hậu Sanh
ĐÌNH PHƯƠNG