Quản lý an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật: Chuyển trọng tâm, đẩy mạnh hỗ trợ chuỗi liên kết
Ðiểm mấu chốt trong công tác quản lý an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật là kiểm soát quy trình chăn nuôi ngay từ đầu vào (con giống, thức ăn, phòng dịch bệnh…). Do vậy, Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tập trung trong khâu hỗ trợ chuyển hướng chăn nuôi an toàn, tăng giám sát đầu vào để đảm bảo chất lượng đầu ra.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương, Trung tâm Khuyến nông thực hiện các mô hình chăn nuôi an toàn; phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Bình Định trong giám sát và cảnh báo các nguy cơ về dịch bệnh.
Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến khích chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật. Ảnh: THU DỊU
Đến nay, toàn tỉnh có 65 cơ sở chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học (năm 2021 là 40 cơ sở) và hiện đang thí điểm áp dụng phần mềm quản lý dịch bệnh Teefood tại 800 hộ chăn nuôi.
Thay vì tập trung kiểm soát đầu ra như lâu nay, ngành Chăn nuôi và Thú y đang chuyển hướng chú trọng vào nâng cao ý thức của người chăn nuôi, đẩy mạnh hỗ trợ để giúp người chăn nuôi từng bước chuyển hướng sang các mô hình chăn nuôi an toàn, kiểm soát dịch bệnh. Việc giám sát chủ yếu nhằm đưa ra những cảnh báo, những nguy cơ để người chăn nuôi thay đổi.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết: Chuyển trọng tâm từ giám sát sản phẩm sau giết mổ sang hỗ trợ ngay từ đầu trong khâu chăn nuôi nghe đơn giản nhưng về bản chất là điểm thay đổi rất lớn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật. Không chỉ có vậy, chúng tôi còn khuyến khích, hỗ trợ về kỹ thuật để người chăn nuôi tham gia vào các chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm an toàn, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng và duy trì các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm như chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm heo hơi tại thị trường Đà Nẵng. Đồng thời khuyến khích các DN sản xuất, chăn nuôi mở rộng các chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm như chuỗi liên kết của Công ty Chăn nuôi C.P Bình Định, Công ty CP Greenfeed Việt Nam - chi nhánh Bình Định… Khuyến khích các DN xây dựng các cửa hàng thịt sạch, an toàn thực phẩm phục vụ người tiêu dùng.
Đến hết quý I/2022, tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng. Trong đó, đàn trâu ước đạt gần 18.000 con, tăng 2,4% so với cùng kỳ; đàn bò ước đạt gần 298 nghìn con, tăng 0,6%; đàn heo ước đạt hơn 773 nghìn con, tăng 15,5%; đàn gia cầm ước đạt 8,6 triệu con, tăng 1,4%.
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I/2022 gồm: Thịt trâu ước đạt 438,6 tấn, tăng 1,0% so với cùng kỳ; thịt bò ước đạt 10.547,7 tấn, tăng 1,7%; sản lượng sữa ước đạt 3.116,9 tấn, tăng 1,5%; thịt heo ước đạt 29.571,5 tấn, tăng 5,4%; thịt gia cầm ước đạt 6.494,2 tấn, tăng 4,7%, trong đó thịt gà ước đạt 5.403 tấn, tăng 7,7%.
Nhờ định hướng của ngành chức năng, những năm qua, người chăn nuôi trên địa bàn TX An Nhơn chủ động hợp tác với các DN lớn để nuôi gia công cho DN. Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX An Nhơn, hiện toàn thị xã có 28 trang trại quy mô lớn (500 - 1.500 con) tập trung ở các xã: Nhơn Tân, Nhơn Thọ, Nhơn Lộc. Người chăn nuôi tham gia vào chuỗi liên kết với DN đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm, ổn định kinh tế.
Tương tự, ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cho hay, tới đây Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện sẽ đảm nhận và tổ chức kiểm dịch tập trung toàn địa bàn huyện về tại Trung tâm này, kể cả kiểm dịch vận chuyển và vệ sinh thú y. Thay đổi này nhằm đảm bảo quản lý tốt dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường tại các điểm thu gom nhỏ lẻ ở khu dân cư. Đồng thời khuyến khích các hộ chăn nuôi áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học để tăng hiệu quả kinh tế, giảm áp lực do biến động giá cả thị trường. Đây cũng là phương án quản lý từ gốc các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật.
Theo ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Bình Định, trong lĩnh vực chăn nuôi, Chi cục phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện giám sát dư lượng kháng sinh và chất cấm để cảnh báo, tham mưu để chính quyền địa phương và người dân tích cực thay đổi tư duy của người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật không thể phụ thuộc vào hoạt động giám sát và cảnh báo của ngành chức năng mà quan trọng là chuyển đổi, thay đổi ý thức của người chăn nuôi.
THU DỊU