Thư viện tỉnh Bình Ðịnh: Nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển văn hóa đọc
Thời gian qua, Thư viện tỉnh đã không ngừng nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và vận hành, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, tạo nền tảng phát triển văn hóa đọc.
Hiện nay, Thư viện (TV) tỉnh có hơn 350 nghìn tài liệu các loại (ấn phẩm, viết tay, loại nghe, nhìn, tài liệu số...) được lưu giữ, bảo quản theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và chuẩn nghiệp vụ thuộc lĩnh vực TV. Mấy năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, TV tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hiện đại hóa dịch vụ, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.
Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Phó Giám đốc TV tỉnh, cho biết: “Đến nay, đơn vị đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin vào nhiều hoạt động TV như xây dựng phần mềm mã màu dành cho kho mở, ứng dụng phần mềm quản lý TV OpenBiblio dành cho TV huyện, xã. Trong bối cảnh để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều lần TV phải tạm dừng phục vụ bạn đọc trực tiếp nhưng bạn đọc có thể vào website của TV (http://bpl.vn) để đọc các tài liệu số. Bạn đọc cũng có thể truy cập và tra tìm tài liệu các TV qua mạng internet thông qua hệ thống quản lý TV dùng chung cho 10 TV cấp huyện và 75 TV trường học do TV tỉnh triển khai”.
Nhân viên Thư viện tỉnh hỗ trợ bạn đọc tra cứu tài liệu trên hệ thống thư viện số. Ảnh: A.N
Vừa qua, TV tỉnh được TV quốc gia Việt Nam cho phép sao chụp 187 đầu sách quý về chữ Quốc ngữ in tại nhà in ở Tiểu chủng viện Làng Sông ở huyện Tuy Phước và số hóa toàn văn để lưu trữ, phục vụ bạn đọc. Cùng với đó, TV tỉnh còn sưu tầm, số hóa tài liệu địa chí toàn văn, giúp người đọc dễ dàng tìm kiếm, truy cập.
Đến cuối năm 2021, TV tỉnh đã sưu tầm 300 tài liệu in địa chí; số hóa toàn văn 350 bài trích địa chí, 173 đầu sách/14.874 trang chữ quốc ngữ, 9.250 trang tài liệu sách địa chí và xử lý kỹ thuật sách mới 4.961 biểu ghi. Nhờ đó, bạn đọc có nhu cầu, có thể kết nối với TV tỉnh bằng nhiều cách phù hợp nhất, và hoàn toàn tiếp cận dễ dàng với số lượng khổng lồ các tài liệu mong muốn, từ những bản luận văn, luận án sau đại học, công trình nghiên cứu khoa học... cho tới các bản giáo trình về kỹ năng mềm, công nghệ thông tin, tư liệu học tập cho tất cả các môn học các cấp mầm non, tiểu học, trung học, đại học... Con số hơn 138 nghìn lượt truy cập website của TV tỉnh trong năm 2021 đã nói lên những hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào vận hành, quản lý hoạt động TV.
Nền tảng quản trị TV dùng chung do TV tỉnh xây dựng được sử dụng bởi hơn 200 TV cấp huyện trong cả nước, các TV này đã thực hiện liên kết và chia sẻ tài nguyên thông tin với các TV sử dụng cùng chung một hệ thống. Để công tác vận hành đạt hiệu quả, hằng năm, TV tỉnh còn tổ chức các lớp tập huấn cho hơn 150 cán bộ TV cấp huyện, TV trường học trong tỉnh, với hình thức trực tuyến về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số vào hoạt động TV.
Có thể thấy, ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các TV và hình thành mạng lưới TV hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ TV; góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập là điều cần thiết. Theo chương trình chuyển đổi số ngành TV đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2021 - 2025, 100% TV công cộng cấp huyện được trang bị phần mềm TV số liên kết với phần mềm TV tỉnh và có trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ trực tuyến; thực hiện liên kết, chia sẻ và khai thác tài nguyên thông tin dùng chung giữa các TV. 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học có trong TV tỉnh được số hóa và quản lý trên phần mềm TV số. TV công cộng tỉnh, TV đại học có trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ trực tuyến, tích hợp với thành phần dữ liệu mở của hệ tri thức việt số hóa…
“Để hoàn thành các mục tiêu đó, từ nay đến năm 2025, TV tỉnh sẽ nỗ lực nghiên cứu, xây dựng nền tảng TV số dùng chung để chia sẻ phân phối tài nguyên đến các TV trên địa bàn; xây dựng bộ sưu tập các tài liệu in, tài liệu đa phương tiện, chủ động thu thập dữ liệu/tài liệu số; xây dựng các chính sách để truy cập, chia sẻ và sử dụng lại dữ liệu; tiến hành xử lý, lưu trữ và bảo tồn, quản lý dữ liệu; truyền thông, tổ chức cho mọi người, đối tượng bạn đọc sử dụng… góp phần xây dựng ngành TV phát triển, tạo điều kiện để bạn đọc tiếp cận nhiều hơn những dịch vụ số, dữ liệu mở”, ông Sinh cho biết thêm.
TRỌNG LỢI