Đừng chủ quan với viêm tắc mạch chi
Cách đây không lâu, bà Trần Thị Nghĩa, 69 tuổi, ở xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn nhập viện trong tình trạng tím tái ngón chân bên trái, cơ cẳng bàn chân bên trái bị teo. Nửa tháng trước đó, bà Nghĩa thấy đau nhức ở bàn chân bên trái, đặc biệt đau nhiều khi vận động. Gia đình đã tự mua thuốc chữa bệnh nhưng không khỏi. Qua kiểm tra, các bác sĩ Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn thấy mạch bàn chân bên trái yếu, siêu âm động mạch ở kheo chân bên trái thấy có dấu hiệu xơ vữa, đó là triệu chứng của bệnh viêm tắc mạch chi.
Theo bác sĩ Bành Quang Khải, Trưởng khoa Nội, Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn, viêm tắc mạch chi là tình trạng hẹp hoặc tắc lòng động mạch chậu, đùi, kheo, cẳng và bàn chân do xơ vữa động mạch hoặc viêm nội mạc động mạch, làm giảm dòng máu nuôi phần chi phía dưới vị trí tổn thương. Trung bình mỗi năm khoa Nội, Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn điều trị khoảng 30 bệnh nhân bị viêm tắc động mạch chi. Bệnh nhân vào viện thường có những triệu chứng như đau cố định ở một nhóm cơ, thường là cẳng chân, cơ hông hoặc cơ mông, đau khi gắng sức làm việc, khi đi lại và giảm đau khi được nghỉ ngơi.
Đáng nói là có khá nhiều bệnh nhân trước khi đến bệnh viện đã tự điều trị bằng cách đắp thuốc, chườm nóng, tự mua thuốc uống. Bác sĩ Bành Quang Khải cho biết: “Việc đắp thuốc không làm giảm cơn đau mà ngược lại có thể gây lở loét, nhiễm trùng, làm vết thương rất khó lành. Nhập viện muộn sẽ khiến cho khả năng hồi phục kém, thậm chí phải cắt cụt chi”.
Viêm tắc mạch chi là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, hút thuốc lá nhiều… Tuy nhiên, cũng có nhiều người trẻ tuổi mắc bệnh này, đặc biệt ở những nhóm người nghiện thuốc lá hoặc có chế độ ăn nhiều mỡ.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, có thể phát hiện viêm tắc mạch chi qua thăm khám lâm sàng, chụp mạch, siêu âm. Việc điều trị cơ bản là mở thông động mạch bị tắc bằng phương pháp nong động mạch tại vị trí hẹp bằng bóng, có thể kèm đặt stent. Khi đó, dòng máu phục hồi, các triệu chứng đau sẽ giảm nhanh chóng và hết hẳn. Các vết loét và hoại tử có cơ hội liền sẹo nhanh. Tuy nhiên, phần hoại tử nặng do điều trị muộn không thể hồi phục bắt buộc phải cắt bỏ.
Người mắc bệnh nên bỏ thuốc lá, điều trị đúng các bệnh kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng lipid máu; tái khám thường xuyên và định kỳ siêu âm Doppler màu động mạch để đánh giá tiến triển. Đồng thời, nên đi bộ thường xuyên, tránh ngồi một chỗ hoặc đứng quá lâu; vận động, nghỉ ngơi hợp lý, chế độ ăn nhiều rau quả, chất xơ và hạn chế chất béo. Khi có vết thương ở chi nên khám, điều trị tích cực tránh nhiễm trùng.
THU PHƯƠNG