Yên ả Mỹ Hòa
Xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ nằm cách TP Quy Nhơn khoảng 60 km với khung cảnh làng quê yên bình, mộc mạc; có nhiều thắng cảnh để du khách khám phá.
Về xã Mỹ Hòa trong những ngày nắng đẹp, con đường bê tông thẳng tắp dẫn vào trung tâm xã với những nếp nhà ven đường xen lẫn những bụi cỏ xanh, giàn hoa giấy, hàng rào cây xanh cắt tỉa thẳng tắp khiến khung cảnh thật nên thơ. Cảnh vật làng quê quá đỗi bình yên với những đồng ruộng đang mùa gặt, những lũy tre xanh, hàng dừa đung đưa khiến người lữ khách phương xa thấy thích thú khi đến đây.
Điểm đầu tiên du khách nên ghé khi tới xã Mỹ Hòa, đó là chùa Hang (tên chữ là Thạch Cốc Tự, Thiên Sanh Thạch Tự) nằm giữa lưng chừng dãy núi Chùa (núi Lý Thạch), nhưng đường đến chùa được đúc bê tông nên rất dễ đi. Đến chùa, vượt qua hàng trăm bậc đá, du khách sẽ đến cửa hang đá bên trong có thờ Phật - cửa hang này gắn với tên gọi dân gian là chùa Hang.
Chùa Hang gắn với nhiều truyền thuyết ly kỳ. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Hang đá tự nhiên này quay về hướng Đông, trước cửa hang là một khối đá khổng lồ chồm ra tạo thành một mái vòm tự nhiên vững chắc để che chắn bên trong; xung quanh hang rợp bóng cây xanh mát quanh năm giữa khoảng sân tương đối bằng phẳng từ những gộp đá tạo nên. Phía trước cửa hang có đặt tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và bàn thờ các chư Phật. Dừng chân trước cửa hang giữa bốn bề không gian lộng gió, cảnh thiên nhiên tươi đẹp, dưới chân núi là ruộng đồng bao la thẳng cánh cò bay, những mái nhà thấp thoáng trong nắng khiến lòng người thanh thản đến lạ thường.
Vào sâu bên trong hang là nơi bàn thờ Phật thiết trần giữa hang, giữa khói hương nghi ngút, cảnh vật thâm u tịch mịch rất huyền bí. Tương truyền trong hang đá này có hai đường đi, một “đường lên trời” và một “đường đi xuống âm phủ” mang nhiều màu sắc tâm linh huyền bí, nhưng hiện hai cửa hang này đã bị lấp.
Về sự tích chùa Hang, sách Nước Non Bình Định của Quách Tấn, chép: “Hang có tự nghìn xưa, nhưng chùa mới lập dưới triều Đồng Khánh hay Thành Thái, tức vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX (1886 - 1916). Nhà sư khai sơn danh tự là gì không được biết. Chỉ biết là người Bình Định vào Ninh Thuận thọ giới cùng hòa thượng chùa Xà Bang. Sau khi thông hiển kinh luật rồi trở về tu trì tại hang đá…”.
Rời chùa Hang, bạn di chuyển đến hồ Hội Khánh (còn gọi hồ Đá Trải) để tận hưởng không gian mây trời in bóng nước trong xanh trên mặt hồ. Cảnh vật xung quanh hồ thơ mộng hữu tình, yên tĩnh lạ thường rất thích hợp cho những buổi cắm trại, dã ngoại cùng gia đình, bạn bè. Nhưng đã đến đây thì chắc hẳn bạn không thể bỏ lỡ ghi lại những bức ảnh kỷ niệm trong chuyến du ngoạn sơn thủy hữu tình xứ Mỹ Hòa.
Vào Truông Gia Vấn - một thôn nhỏ với khoảng 60 hộ dân sinh sống nằm tách biệt với trung tâm xã Mỹ Hòa phải vượt qua những con dốc nhỏ trên núi nhưng đường cũng dễ đi vì được đúc bê tông. Vào gần đến nơi, ta sẽ gặp khu vườn nông nghiệp sinh thái của HTX Chế tác đá hoa cương Bảo Thắng Phù Mỹ trồng các loại rau quả sạch theo hướng công nghệ cao; khu chăn nuôi, trồng cây ăn quả của HTX với những vườn cam, vườn xoài trĩu quả bên các ao cá. Những ngôi nhà gỗ được thiết kế, xây dựng theo kiến trúc nhà cổ làm điểm dừng chân cho du khách khi đến đây cùng dịch vụ chèo thuyền.
Toàn cảnh Khu du lịch sinh thái Truông Gia Vấn nhìn từ trên cao. Ảnh: DŨNG NHÂN
Đi thuyền máy ngắm cảnh từ thượng nguồn đến hạ nguồn hồ Hội Khánh bạn sẽ thấy như đang chầm chậm trôi qua cõi thiên thai. Trước khi rời Truông Gia Vấn bạn nên ghé check-in suối Cây Cầy. Theo người dân địa phương dù trời có nắng nóng đến mấy thì đã vào đến đây ai cũng sẽ thấy mát rượi. Quả thật không khí khu vực này rất mát mẻ, dễ chịu, nước suối chảy len qua những gộp đá, bên trên là bóng cây cổ thụ tỏa bóng hai bên suối, vục tay vào lập tức có cảm giác như mệt mỏi vụt tan biến theo dòng nước mát lạnh tuôn qua.
Suối Cây Cầy mát lạnh quanh năm. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Một ngày du ngoạn vùng quê Mỹ Hòa bạn sẽ thấy thích thú với những trải nghiệm trong chuyến phượt của mình…
ĐOÀN NGỌC NHUẬN