Cân bằng để hạnh phúc
Vừa qua, LĐLĐ các cấp đã biểu dương nhiều chị em là công nhân, viên chức, người lao động tiêu biểu trong phong trào thi đua Giỏi việc nước, đảm việc nhà. Các chị đã khéo léo thu xếp để cân bằng giữa công việc với giữ lửa tổ ấm, xây dựng gia đình hạnh phúc tròn đầy.
Tỏa sáng trong công việc
Mang tư duy hiện đại, tiến bộ, phụ nữ ngày nay luôn cố gắng, tự khẳng định trước hết ở khía cạnh công việc. Là lãnh đạo nữ, sự mềm mỏng có vai trò rất lớn trong việc quan tâm, nắm bắt tâm lý tập thể công nhân viên. Chị Châu Thị Hảo - Phó Giám đốc Công ty CP Công viên cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn luôn chú trọng yếu tố con người trong công việc. Chị chia sẻ: “Tận dụng lợi thế của phái nữ là sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, uyển chuyển, tôi đã thuận lợi hơn trong việc chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật và lắng nghe tâm tư, tình cảm của cấp dưới, từ đó đảm bảo sản phẩm dịch vụ tăng bình quân từ 5 - 10%; các sáng kiến, kế hoạch được triển khai đúng tiến độ, sự đoàn kết nội bộ cũng được củng cố”.
LĐLĐ TP Quy Nhơn biểu dương nữ công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu trong phong trào thi đua Giỏi việc nước, đảm việc nhà. Ảnh: LĐLĐ TP Quy Nhơn
Chị em còn không ngừng vươn lên với tinh thần cầu tiến, từ đó gặt hái những thành quả nhất định. Gần 7 năm công tác tại Công ty CP Đầu tư An Phát (Cụm công nghiệp Tam Quan, phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn), chị Nguyễn Thị Chính (SN 1982, ở xã Hoài Phú) luôn được đồng nghiệp quý mến, cấp trên tin tưởng bởi sự chăm chỉ, sáng tạo, luôn phấn đấu nhằm nâng cao năng suất làm việc. Một số sáng kiến tiêu biểu của chị đã được áp dụng và mang lại hiệu quả cao như: “Cải tiến giảm bớt nhân lực cán bộ kỹ thuật triển khai khi hàng vào chuyền”, “Giải pháp rút ngắn công đoạn diễu cổ”, “Giải pháp sử dụng tiết kiệm nhiệt lượng trong máy ủi”. Ngoài ra, chị còn sẵn sàng hướng dẫn thao tác, kỹ năng và chia sẻ kinh nghiệm làm việc cho các công nhân mới, giúp Công ty tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Với những đóng góp trên, chị Chính luôn được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là lao động giỏi cấp cơ sở từ năm 2017 - 2021.
Không chỉ hoàn thành công việc, chị em còn thể hiện tâm sáng với nghề. Gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, chị Trần Vũ Thùy Dương, giáo viên môn lịch sử tại Trường THCS phường Bình Định (TX An Nhơn) vừa là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền, vừa là người mẹ thứ 2 của các em học sinh. Trước tình hình nhiều học sinh trở thành F0 trong mùa dịch, chị sẵn sàng tạo mọi điều kiện để các em yên tâm điều trị mà không mất kiến thức, chủ động bỏ tiền túi để hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Với các trường hợp có nguy cơ không thể đến trường vì gia cảnh không cho phép, chị Dương cũng vận động nhà hảo tâm để cùng chung tay, không để em nào bỏ dở chuyện học.
Giữ lửa gia đình
Chủ động, tỏa sáng trong công việc là vậy nhưng chị em chưa khi nào quên đi thiên chức làm vợ, làm mẹ. Sau những chuyến đi thực tế cơ sở tất bật, tập trung hướng dẫn kỹ thuật cho người lao động, chị Hảo lại trở về với căn bếp nhỏ, nấu những món nóng hổi cho chồng con. Chị chia sẻ: “Có bận mấy thì bếp vẫn đỏ lửa, gia đình phải quây quần bên mâm cơm chiều, không thể thiếu được”.
Còn chị Dương, mỗi ngày đều phải thức dậy từ sớm để vừa chuẩn bị bữa sáng cho gia đình, vừa kịp di chuyển từ nhà (ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) đến trường. Ấy vậy mà với chị, đó vẫn là niềm hạnh phúc khi bắt đầu ngày mới với những người thương yêu. Còn với chị Chính, khoảnh khắc hạnh phúc nhất là khi đêm về, được gần gũi và hướng dẫn con chuẩn bị bài vở. 3 người con ở 3 độ tuổi khác nhau đòi hỏi người mẹ phải có sự linh động, không để con có cảm giác xa cách.
Không chỉ là bữa cơm hay cuộc nói chuyện, thiên chức còn thể hiện ở sự sẻ chia khó khăn, nỗi buồn vui của chị em đối với các thành viên trong gia đình. Thấu hiểu áp lực “là con của giáo viên dạy giỏi”, chị Dương luôn động viên, cổ vũ con “hãy học tập theo khả năng, phát triển theo thế mạnh và sở thích”.
Biết con nhớ nhà và cần lắm sự khích lệ tinh thần, mỗi ngày, chị Hảo luôn chủ động sắp xếp thời gian, tính toán sự lệch múi giờ để quan tâm, hỏi han con gái đang du học ở Hàn Quốc để con có cảm giác gia đình luôn ở bên. Chủ động chia sẻ gánh nặng kinh tế với người chồng đi làm xa, chị Chính đóng vai trò vừa làm cha, vừa làm mẹ. “Quan trọng là giáo dục con đúng cách để con vừa kính trọng, vừa gần gũi bậc sinh thành, đồng thời tạo sự êm ấm, đủ đầy, cho con cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ”, chị Chính tâm sự.
DƯƠNG LINH