Khởi đầu mới, ươm lại cuộc đời
Từng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật bởi thiếu hiểu biết và sự bồng bột, ham lợi trước mắt, chị Tôn Thị Lệ My (SN 1994, ở phường Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn) đã rút ra bài học sâu sắc, quyết tâm cải tạo, làm lại cuộc đời.
Bị kết án 3 năm vì tội danh mua bán trái phép chất ma túy; thế nhưng, với mong muốn có được “khởi đầu mới”, chị My đã tích cực cải tạo và được mãn hạn tù trước 8 tháng.
Tháng 4.2019, từ Bến Tre trở về quê hương, nhờ nghề đan nhựa giả mây học được trong thời gian cải tạo, chị “bỏ túi” được nhiều kỹ năng, có thể tự mình hoàn thiện sản phẩm ở tất cả các công đoạn. Tuy nhiên, mang trên mình nỗi mặc cảm lớn, cùng sự tự ti về hoàn cảnh, chị sống khép mình. Rồi tình yêu thương gia đình, khát khao bù đắp cho 2 cô con gái nhỏ dường như đã tiếp thêm sức mạnh cho chị đối diện và vượt qua quá khứ. Chị tâm sự: “Tôi không muốn trở thành gánh nặng của gia đình. Trái lại, tôi khao khát được làm chỗ dựa cho cha mẹ, con cái. Do đó, tôi quyết tâm khởi nghiệp bằng cách nhận đan nhựa giả mây tại nhà”.
Chị My và chiếc cúp đạt được trong cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Ảnh: NVCC
Ban đầu, với số vốn ít ỏi vay từ người thân, chị My bắt đầu nhận làm sản phẩm theo đơn đặt hàng ở TX An Nhơn với số lượng nhỏ lẻ. Dần dần, nhờ tỉ mỉ trong từng khâu, lượng đơn tăng dần, chị quyết định đầu tư thêm máy móc, thiết bị để tối ưu hóa năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cuối 2019, chị My thành lập xưởng, mở rộng quy mô kinh doanh, chuyên nhận các đơn với số lượng lớn của các công ty trong và ngoài địa bàn thị xã. Không những vậy, chị còn hướng dẫn kỹ thuật, giải quyết nhu cầu việc làm cho khoảng 10 lao động nữ tại địa phương. Tùy theo hoàn cảnh mà có chị làm tại xưởng, có chị nhận nguyên liệu về nhà, tranh thủ vừa chăm con nhỏ, vừa đan để kiếm thêm thu nhập. Nhờ đó, mỗi chị kiếm thêm từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/ tháng, góp phần cải thiện chất lượng sống.
Chị Võ Thị Vinh (ở khu phố Cửu Lợi Bắc, phường Tam Quan Nam), chia sẻ: “Chị em công nhân ở xưởng của chị My phần lớn là nội trợ hoặc lao động theo mùa vụ. Do đó, để giúp chúng tôi có thêm thu nhập từ khoảng thời gian nhàn rỗi, chị My sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đan sao cho đều, đẹp, chặt tay mà không dùng lực quá nhiều. Đồng thời, chị My luôn động viên chị em vươn lên khó khăn, từng bước làm chủ kinh tế”.
Nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ, cơ sở của chị My ngày càng phát triển, tạo động lực cho chị tiếp tục sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, chị còn nhận được sự động viên, khích lệ từ người dân và chính quyền, đặc biệt là Hội LHPN phường. Đó cũng là lý do để chị quyết định tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động và đạt giải cấp vùng.
Bên cạnh nỗ lực làm lại cuộc đời, chị My còn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện như nấu các bữa ăn tình thương cho chốt kiểm soát dịch, nhập dữ liệu tiêm chủng, hướng dẫn người dân các thủ tục để tiêm vắc xin tại địa phương. “Với khởi đầu mới đầy ý nghĩa này, tôi luôn hy vọng có cơ hội được làm những việc có ích mà khi trước tôi đã bỏ lỡ. Ngoài ra, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để sống có ích và giúp đỡ cho các chị em có hoàn cảnh như tôi”, chị chia sẻ.
DIỆU NGỌC