NGHỆ NHÂN NHÂN DÂN ĐINH CHƯƠNG:
Niềm đam mê tiếp sức tôi cống hiến
Gọi điện hẹn gặp Nghệ nhân Nhân dân Đinh Chương (người Bana Kriêm, ở làng K8, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh), ông vui vẻ nhận lời đón khách về đại ngàn. Trong ngôi nhà sàn nhỏ ngay cạnh cánh đồng dưới chân núi, tôi lại được nghe “báu vật nhân văn sống” trải lòng mình.
Danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân tăng uy tín và trách nhiệm
* Trong đợt xét tặng lần đầu tiên năm 2015, ông nằm trong số 18 nghệ nhân của Bình Định được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Đến đợt xét tặng lần thứ hai năm 2019, ông là 1 trong 4 Nghệ nhân Nhân dân đầu tiên của tỉnh. Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình về những sự kiện này?
- Cả cuộc đời tôi gắn bó với núi rừng quê hương, xuất phát từ niềm đam mê từ nhỏ đến giờ nên không ngừng học hỏi, luyện tập, tham gia các hoạt động với mong muốn góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa của đồng bào Bana Kriêm Vĩnh Thạnh. Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân được Chủ tịch nước phong tặng là những danh hiệu quý giá. Ban đầu tôi cũng có chút “sợ” khi nghe thông báo làm hồ sơ đề nghị xét tặng, bởi thành tích nổi bật nếu tính giải thưởng 1 HCV (năm 1977), 1 HCĐ (năm 1991) qua các cuộc thi của Bộ VH-TT thì cũng từ rất lâu rồi...
Thực sự rất cảm ơn Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện, xã quan tâm đến những nghệ nhân cao tuổi ở vùng sâu vùng xa như tôi, nhất là được vinh danh trong chặng cuối của đường đời.
Nghệ nhân Đinh Chương tại lễ trao tặng danh hiệu được Sở VH-TT tổ chức năm 2019. Ảnh: HOÀI THU
* Tuy nhiên, vinh quang bao giờ cũng đi kèm với áp lực, trách nhiệm…
- Đúng vậy. Tôi vẫn luôn nhớ quy định trong Nghị định số 62/2014/NĐ-CP (quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể”. Theo đó, cùng với những quyền lợi nhận được, Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú cần phải “Không ngừng hoàn thiện tri thức và kỹ năng. Tích cực truyền dạy, phổ biến tri thức và kỹ năng”.
Đến nay, toàn tỉnh chỉ có 2 Nghệ nhân Nhân dân là người đồng bào dân tộc thiểu số. Tại lễ trao tặng danh hiệu được Sở VH-TT tổ chức năm 2019, đáng tiếc chỉ mình tôi được nhận trực tiếp, còn Nghệ nhân Nhân dân Phan Chí Thành (người Bana ở huyện Phù Cát) đã mất từ năm 2017. Qua đó, tôi càng thêm nhận thức về trọng trách quan trọng, nhiều việc mình cần phải tiếp tục tranh thủ làm khi vẫn còn sống trên đời, hằng ngày được ngắm núi rừng, nghe tiếng chim hót.. .
Sau khi được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, tôi thấy rõ uy tín của mình càng tăng cao hơn. Đi đến các làng ở xã Vĩnh Sơn nói riêng và huyện Vĩnh Thạnh nói chung, khi tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào Bana Kriêm, bà con càng chăm chú nghe theo.
Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi cần có thêm hoạt động thiết thực hơn
* Động lực nào để ông tích cực tham gia nhiều Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh (thường được tổ chức định kỳ 2 năm/lần)?
- Đây là sự kiện gặp gỡ, giao lưu có quy mô lớn nhất của đồng bào Bana, Chăm H’roi, H’re trên địa bàn tỉnh. Hơn 20 năm qua, trừ Ngày hội năm 2019 tôi bị đau không tham gia được, còn lại đều cố gắng sắp xếp có mặt, đóng góp những gì mình hiểu biết, biểu diễn và hướng dẫn được, từ cồng chiêng đến các loại nhạc cụ, hát, múa truyền thống, rồi phục dựng, tái hiện các lễ hội dân gian... của đồng bào Bana Kriêm.
Cao tuổi nhưng tôi vẫn hăng hái đi để làm gương, động viên các thế hệ trẻ tham gia Ngày hội, qua đó thêm hiểu biết về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình và các dân tộc anh em, bồi đắp ý thức tiếp nối gìn giữ những cái hay, cái đẹp.
* Vậy ông có mong muốn gì thêm đối với sự kiện này?
- Tôi nhiều lần dự thi đan lát tại các Ngày hội, chưa thấy có thi đan gùi, dù đây là vật dụng truyền thống đến nay vẫn rất hữu dụng với đồng bào chúng tôi. Đáng tiếc là hiện không có mấy người trẻ biết đan gùi. Cần có thi đan gùi, trong đó đưa vào nội dung đan gùi có hoa văn là khó nhất trong các loại gùi - đây mới là giá trị đặc sắc cần được bảo tồn. Trong thời gian thi nhất định, căn cứ vào sự hoàn thành hoa văn trên gùi để đánh giá tay nghề của nghệ nhân đại diện các huyện miền núi hiện nay ra sao, bao nhiêu người còn tham gia được.
Bên cạnh việc giao lưu trên sân khấu qua các chương trình văn nghệ dân gian dự thi, tôi cũng mong muốn Ban tổ chức Ngày hội xem xét tăng thời gian giao lưu giữa các đoàn. Theo đó, đoàn cồng chiêng, múa xoang, chơi các loại nhạc cụ với điểm đặc sắc mang dấu ấn dân tộc của huyện này luân phiên đi đến các trại của huyện khác để giao lưu. Như vậy, phần “hội” càng thêm tươi vui, sự giao lưu gắn kết mới là phần cốt lõi...
Sẽ đóng góp cho du lịch cộng đồng Vĩnh Sơn - Vĩnh Thạnh
* Trong định hướng đầu tư phát triển du lịch Vĩnh Sơn - Vĩnh Thạnh, có khai thác du lịch cộng đồng. Theo ông, việc này sẽ tác động thế nào đến văn hóa truyền thống ở vùng cao?
- Tác động sẽ tích cực khi phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống địa phương, tạo được nguồn thu nhập cho người dân, góp phần kích thích lớp trẻ tham gia tập luyện cồng chiêng, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, dân ca, dân vũ.
“Nếu có niềm đam mê thực sự, hiểu rõ giá trị, thấy được sự cấp thiết bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc mình đang có nguy cơ mai một ngày càng cao, bản thân mình sẽ thêm sung sức, luôn muốn đóng góp nhiều hơn nữa, làm việc gì cũng thấy vui và nhẹ nhàng như làn gió thoảng qua rừng cây, suối chảy róc rách nơi khe đá...”.
Nghệ nhân Nhân dân ĐINH CHƯƠNG
Dự cuộc họp của huyện Vĩnh Thạnh vào cuối tháng 2.2022, tôi được giao nhiệm vụ thời gian tới khi tình hình dịch Covid-19 ổn, sẽ làm việc cụ thể với UBND xã Vĩnh Sơn để tiến tới thành lập các đội cồng chiêng, trước hết ở làng K2, K3, K8 có thuận lợi phát triển du lịch cộng đồng, sau đó là ở các làng còn lại của xã. Các đội cồng chiêng này không tự phát ở các làng như trước, mà sẽ có danh sách thành viên cụ thể, tập luyện thường xuyên, bài bản hơn để sẵn sàng phục vụ du khách.
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh Đinh Drin mới đây đã về thăm hỏi tôi, động viên làm cây nêu theo đúng cách thức truyền thống, trước hết để lớp trẻ người Bana Kriêm sau này còn biết, đồng thời cũng phục vụ du lịch. Theo gợi ý của Bí thư Huyện ủy, tôi đang nghiên cứu làm cây nêu “lưu động” chứ không phải chôn chân cố định ở sân nhà rông, để thuận lợi di chuyển đi nơi khác khi cần phục vụ các hoạt động trình diễn, giao lưu văn hóa truyền thống.
* Ông năm nay đã 83 tuổi, liệu có thể tiếp tục làm được nhiều việc như thế?
- Tôi cùng vợ (năm nay 77 tuổi) hiện vẫn tự tay làm tốt mấy sào ruộng nhà mình. Thời gian gần đây, tôi tiếp tục làm được một số nhạc cụ, khung để kéo chỉ dệt thổ cẩm, chày giã gạo bằng gỗ, các vật trang trí trên cây nêu... và sẽ làm thêm nhiều loại nữa để đặt trong nhà trưng bày giới thiệu về văn hóa truyền thống của làng K8 đã được xây dựng từ đề xuất của tôi.
Tôi còn đan gùi, làm rựa (ráp 2 cán bằng gỗ theo cách làm truyền thống của người Bana Kriêm) đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhiều người. Từ đề nghị của Nghệ nhân Ưu tú - nhà nghiên cứu Yang Danh (Vĩnh Thạnh), sắp tới tôi cũng vận động dân làng K8 tham gia dàn dựng lễ cúng mừng lúa mới của người Bana Kriêm theo hướng rút gọn, giới thiệu những nét đặc sắc nhất, trước hết là để bảo tồn, sau đó có thể giới thiệu đến các đoàn du khách đến tham quan làng chúng tôi.
* Xin cảm ơn ông. Chúc ông mạnh khỏe, thêm thành công trong những hoạt động mới!
HOÀI THU (Thực hiện)