Làm từ thiện - xin đừng cảm tính, theo phong trào
Các hoạt động từ thiện cần được điều chỉnh trước thực trạng vẫn mang tính tự phát, có những lúc, những nơi chưa đem lại hiệu quả thiết thực.
Những câu chuyện cảnh giác
Ngày 26.3, facebook Dung Vespa đăng tải lời xin lỗi những nhà hảo tâm đã ủng hộ trường hợp bé gái ở huyện Phù Mỹ bị bỏng nặng, đang điều trị tại BVĐK tỉnh, cần tiền ghép da gấp. Thương hoàn cảnh bé mới 19 tháng tuổi đã mồ côi mẹ, cha bị ung thư máu, chỉ từ 12 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, nhiều người đã gửi đến chị Dung (chủ tài khoản Dung Vespa) số tiền hơn 13 triệu đồng.
Tìm hiểu kỹ hoàn cảnh và nhu cầu thực tế của đối tượng sẽ giúp việc thiện nguyện thật sự có ý nghĩa.
- Trong ảnh: Các nhà hảo tâm trao khoản hỗ trợ cho bệnh nhân chạy thận tại BVĐK tỉnh. Ảnh: N.T
“Trường hợp này tôi chia sẻ từ facebook một người quen với mong muốn chung tay giúp cháu bé sớm có tiền để ghép da. Sau khi chốt con số cuối cùng hơn 18 triệu đồng, tôi thống nhất với người quen, gọi vào số điện thoại của người cha theo như thông tin được cung cấp. Đầu dây bên kia bắt máy, người đàn ông xác nhận là cha cháu bé. Khi thấy tôi khăng khăng vào thăm cháu và sẽ trao hỗ trợ bằng tiền mặt tại giường bệnh chứ không chuyển khoản, người đàn ông hẹn 16 giờ gặp tôi ở cổng BVĐK tỉnh. Đúng giờ hẹn, tôi liên lạc lại không được, sau đó bị chặn số luôn”, chị Dung kể.
Đến lúc đó chị Dung mới giật mình, hỏi lại người quen thì mới được nhận lỗi do chủ quan nên chưa xác nhận thông tin. Lập tức gọi về chính quyền địa phương thì chị Dung hỡi ôi khi đại diện chính quyền khẳng định gia đình cháu bé này không ở đó. Dò tìm trên mạng thì phát hiện đây là trường hợp ở tỉnh Bình Thuận từ năm ngoái.
“Người quen của tôi cũng rất có tâm, bản thân tôi cũng luôn cẩn thận. Hoàn cảnh cháu bé này quá bi thương nên ai cũng muốn giúp. Sẽ không có việc tôi bị lừa tiền vì tôi luôn đến tận giường bệnh, thăm hỏi bệnh nhân, trao tiền tận tay họ hay người nhà của họ. Dù vậy, tôi vẫn thấy áy náy với nhà hảo tâm và xem đây là một bài học cho mình”, chị Dung trải lòng.
Làm từ thiện - chỉ thương thôi vẫn chưa đủ. Đây là lời nhắn nhủ của những người đã nhiều năm làm công tác thiện nguyện. Từ thực tế, họ nhận ra rằng, lòng thương người đôi khi bị lợi dụng vào những việc không quá cần thiết, trong khi đang có những trường hợp rất gấp gáp khác mà chỉ cần một khoản hỗ trợ nhỏ đã có thể cứu sống một mạng người hoặc thay đổi một cuộc đời.
Giữa năm ngoái, hình ảnh một thiếu niên bị ung thư xương giai đoạn cuối ở xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) đau đớn với khối u to bên chân phải đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Ngay sau đó, hàng chục rồi hàng trăm triệu đồng được nhà hảo tâm trao cho người nhà với mong muốn “giúp em điều trị bệnh, giảm bớt đau đớn”. Vậy nhưng, đúng như chẩn đoán của bác sĩ, chỉ một vài tuần sau, em đã mất. Sau khi em mất, người nhà vẫn tiếp tục nhận được những khoản hỗ trợ với mục đích… “giúp em điều trị bệnh”. Thi thoảng, bắt gặp hình ảnh em cùng khối u to bên chân phải đăng tải trên một vài tài khoản facebook cá nhân nào đó, và vẫn thấy có người đăng hình tài khoản vừa gửi ủng hộ một số tiền cùng lời chúc em sớm bình phục.
Từ đầu năm đến nay, khá nhiều trường hợp neo đơn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chết vì tuổi cao, bệnh tật hoặc tai nạn, được một số hội, nhóm thiện nguyện vận động tiền để ma chay, chôn cất. Nghĩa tử là nghĩa tận, nhiều người nghĩ vậy nên sẵn sàng chung tay lo hậu sự tươm tất cho họ.
Tuy nhiên, theo một số người am hiểu về lĩnh vực mai táng, bên cạnh các trường hợp làm rất tốt, vẫn còn có những trường hợp để phát sinh những dịch vụ liên quan không cần thiết, gây tốn kém; hoặc nhân việc này kêu gọi thêm tiền theo mong muốn của người nhà để chi dùng vào những việc không mấy liên quan đến người đã khuất...
Đừng nóng vội, cảm tính
Các hội, nhóm thiện nguyện trong tỉnh có những cách làm khác nhau nhưng chung quy vẫn là nỗ lực “giúp đỡ người đang gặp cảnh khó khăn một cách kịp thời và hiệu quả”. Sử dụng tốt mạng xã hội, họ đăng tải và lan truyền nhanh chóng, rộng rãi thông tin những trường hợp cần trợ giúp; đồng thời tạo mọi thuận lợi để nhà hảo tâm gửi gắm tấm lòng mình. Những năm qua, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, nhất là lúc xảy ra thiên tai, dịch bệnh luôn lan tỏa mạnh mẽ, được người dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng, phát huy. Điều này đã được lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá cao và biểu dương.
Tuy nhiên, trong nỗ lực mang đến những điều tốt đẹp nhất cho người khó khăn, cần tránh tình trạng vội vàng, cảm tính, bỏ qua khâu xác minh thực tế. Mỗi hội, nhóm có tiêu chí, mục đích, hoạt động và cách làm khác nhau, nhưng tốt nhất vẫn cần phối hợp với chính quyền địa phương, Mặt trận, hội đoàn thể ở cơ sở. Những lực lượng này sẽ giúp xác minh, tìm hiểu gia cảnh thực tế, kể cả nhu cầu hiện tại của người mà hội, nhóm muốn đến giúp.
Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phong Vũ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, gợi ý: “Các lực lượng sẽ hỗ trợ tốt việc chọn ra người khó khăn nhất trong tương quan mặt bằng chung ở địa phương, hạn chế sự cảm tính hoặc ngụy tạo. Theo đó, những đối tượng lừa đảo hoặc lợi dụng hoàn cảnh để trục lợi tình thương sẽ bị phát hiện ra ngay”.
NGỌC TÚ