Cần lưu ý hậu Covid-19 ở trẻ em
Hầu hết các trẻ bị nhiễm Covid-19 đều nhẹ và phục hồi nhanh hơn người lớn. Tuy nhiên, một số ít trẻ vẫn bị nguy cơ hậu Covid-19 từ nhẹ đến nặng, nhất là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C).
MIS-C là biến chứng nặng, hiếm gặp, là tình trạng viêm đa cơ quan trong cơ thể bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa... dẫn đến suy đa cơ quan. MIS-C thường xảy ra sau nhiễm Covid-19 từ 2 - 6 tuần, sốt liên tục từ 3 ngày trở đi kèm theo các dấu hiệu: Tổn thương da, nổi ban, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ như da trái dâu tây, phù nề bàn tay, bàn chân; rối loạn tiêu hóa: Đau bụng, tiêu chảy, ói; dấu hiệu suy tim: Mệt, xanh, môi tái, lạnh tay chân. MIS-C có thể gây nhiều biến chứng xấu, khiến trẻ có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Các dấu hiệu hậu Covid-19 ở trẻ em thường gặp: Ho và khó thở khi hoạt động gắng sức, các triệu chứng này có thể kéo dài đến 3 tháng hoặc lâu hơn. Trẻ bị viêm cơ tim sẽ có thể cảm thấy đau ngực, hụt hơi, tim đập không đều, hồi hộp, mệt mỏi... kéo dài ngay cả khi hoạt động bình thường. Khoảng 1/4 số trẻ em bị nhiễm Covid-19 có thể bị thay đổi mất hay giảm khứu giác và vị giác, đa phần sẽ hồi phục sau 2 - 3 tuần.
Trẻ có thể bị kéo dài tình trạng mất tập trung, rối loạn ngôn ngữ, vận động và cảm xúc. Trẻ hay quên, giảm khả năng tập trung, học tập khó hơn, khả năng đọc viết chậm hơn, trẻ cần được hỗ trợ nhiều hơn trong học tập và cần nhiều thời gian thư giãn hơn trước để tiếp tục bài học mới. Trẻ luôn có cảm giác mệt mỏi và ít hoạt động hơn bình thường, ảnh hưởng đáng kể đến khả năng vui chơi và học tập của trẻ. Đau đầu là triệu chứng thường gặp và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ và cả gia đình trẻ; khi bị nhiễm trẻ dễ mắc chứng sợ hãi nằm viện, chịu áp lực cách ly và học trực tuyến.
Để đề phòng MIS-C, phụ huynh cần theo dõi và phát hiện sớm trẻ bị nhiễm Covid-19, thông báo cho bác sĩ của trẻ để có hướng dẫn chăm sóc và theo dõi trẻ phù hợp trong giai đoạn hậu Covid-19. Nếu thấy trẻ đã có kết quả âm tính nhưng vẫn có các dấu hiệu mệt mỏi, chưa trở lại mức sinh hoạt như ngày trước, phụ huynh nên lưu ý theo dõi kỹ trong nhiều ngày kế tiếp, nên đưa trẻ đi khám, kiểm tra khi thấy không yên tâm. Ngoài ra, ngay cả khi trẻ khỏe mạnh, phụ huynh cũng nên đưa trẻ khám tầm soát sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)