Cân nhắc chọn sách giáo khoa, dự lường khó khăn
Các trường học đang triển khai công tác chuẩn bị cho chương trình, chọn sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ áp dụng cho các khối lớp 3, 7, 10 trong năm học 2022 - 2023 tới đây. Nhiều khó khăn cũng được các trường dự lường, đặc biệt khối trường THPT khi lần đầu tiên tổ chức thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới lớp 10.
Từ năm học tới, theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và sách giáo khoa (SGK) mới lớp 10, học sinh khối 10 sẽ học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và Nội dung giáo dục của địa phương. Học sinh chọn 5 môn khác từ 3 nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn), trong đó nhóm: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật), Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).
Cần thời gian nhiều hơn
Ngày 22.3, ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT đã có hướng dẫn cho các phòng GD&ĐT cấp huyện, trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện tổ chức lựa chọn SGK lớp 3, 7, 10. Trong đó khối lớp 10, các trường, đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu đọc các bản mẫu SGK lớp 10 đã được Sở GD&ĐT phối hợp các nhà xuất bản giới thiệu. Sau đó, các đơn vị bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học… Cơ sở giáo dục hoàn thành lựa chọn SGK lớp 10 và chuyển kết quả về Sở GD&ĐT trước ngày 28.3.2022.
Giáo viên Trường THPT Trưng Vương thảo luận chọn SGK lớp 10 mới.
Bà Nguyễn Thị Mân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, cho hay, đến nay trường đã tổ chức cho giáo viên tiếp cận khung chương trình GDPT 2018. Tổ chức cho 7 tổ bộ môn chọn SGK theo các quy định, tiêu chí, trên cơ sở giáo viên đã tham gia giới thiệu 3 bộ sách “Cánh diều”, “Chân trời sáng tạo”, “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Tuy vậy, thời gian này giáo viên vừa học bồi dưỡng mô đun 5 vừa kiểm tra giữa học kỳ II cho học sinh và thực hiện nhiệm vụ nhà trường, chọn SGK mới lớp 10 nên khá cập rập. Ban giám hiệu thường xuyên nhắc nhở tổ bộ môn tranh thủ thời gian thảo luận kỹ chọn SGK đảm bảo phù hợp, chất lượng.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc lựa chọn SGK là công việc hệ trọng, liên quan đến cả quá trình dạy và học sau này nên cần thời gian nhiều hơn cho giáo viên nghiên cứu để chọn được bộ sách hoàn chỉnh từ nhiều bộ sách khác nhau. “Tốt nhất, ngoài thời gian nghiên cứu nội dung sách, giáo viên có thể soạn thử giáo án của bài học, sau đó dạy thử để kiểm tra xem khả năng đón nhận và tiếp thu của học sinh”, một hiệu trưởng trường THPT tại TP Quy Nhơn, cho hay.
Một vấn đề nữa là môn Nghệ thuật gồm hai phân môn Âm nhạc và Mỹ thuật, nhưng khối THPT đến thời điểm này không có giáo viên. Sở GD&ĐT hướng dẫn các đơn vị mời giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THCS có trình độ đại học trở lên để tham gia lựa chọn SGK phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị.
Dự lường khó khăn
Nhiều trường lo lắng không biết bố trí giáo viên ở đâu để dạy môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Trong khi đó, sẽ có những môn/tổ hợp môn rất ít học sinh chọn, có môn/tổ hợp môn rất nhiều học sinh chọn. Điều này sẽ dẫn tới hai vấn đề: Giáo viên một số môn học có thể bị thừa hoặc ít việc, các trường có thể không đáp ứng được nhu cầu quá ít của học sinh; hoặc có những giáo viên sẽ bị quá tải giờ dạy.
Bà Mân nêu thực tế: Ngay Trường THPT Trưng Vương có 64 giáo viên, bố trí đầy đủ cho các môn học hiện nay. Khi thực hiện chương trình mới, học sinh có nhiều lựa chọn tổ hợp môn thì ắt dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; lo nhất là nhóm tổ hợp môn Vật lý - Hóa học - Sinh học, học sinh sẽ ít chọn các môn học này.
Cùng quan điểm, ông Huỳnh Lê Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, cho biết, với nhóm môn Nghệ thuật, trường phải hợp đồng giáo viên. Trong khi đó, học sinh chọn 5 môn khác từ ba nhóm môn - đây là điểm mới, có tính định hướng nghề nghiệp rất cao, khắc phục được nhược điểm của chương trình phân ban trước đây nhưng rất khó khăn cho công tác quản lý và tổ chức lớp học.
“Nếu theo đúng tinh thần của chương trình GDPT mới là phát huy năng lực của học sinh thì chúng ta nên tôn trọng sự lựa chọn của học sinh. Tuy nhiên, tùy tình hình cụ thể về số lượng học sinh đăng ký môn học tự chọn mà nhà trường có hướng xử lý phù hợp theo phương châm lấy học sinh làm trung tâm”, ông Minh chia sẻ.
Sở GD&ĐT đã báo cáo Bộ GD&ĐT về khó khăn thiếu giáo viên cho các môn Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Điển, đội ngũ giáo viên được tuyển dụng theo cơ cấu các bộ môn theo chương trình GDPT hiện hành, nên các cơ sở gặp khó khăn trong bố trí, phân công giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018. Đây là tình trạng chung của cả nước, không riêng Bình Định…
MAI HOÀNG