Cát Minh & giống lúa mới, niềm vui mới
Vụ Đông Xuân năm nay, xã Cát Minh, huyện Phù Cát thực hiện chuyển toàn bộ 400 ha lúa sản xuất 3 vụ/năm sang làm 2 vụ/năm; đồng thời phối hợp với Công ty Thái Bình Seed miền Trung và Tây nguyên đưa giống lúa BC15 vào sản xuất đại trà, đưa giống TBR97 vào sản xuất khảo nghiệm (0,5 ha ở thôn Trung Chánh với 7 nông hộ tham gia).
Việc chuyển sang sản xuất 2 vụ lúa/năm cho hiệu quả kinh tế tốt hơn là cơ sở để chính quyền động viên người dân xã Cát Minh tiếp tục thực hiện chuyển đổi.
Đây là 2 giống lúa có mật độ sạ thưa 4 - 5 kg giống/sào, cho hiệu quả kinh tế khá cao. Trong quá trình sản xuất, nông dân tuân thủ theo đúng quy trình hướng dẫn, cán bộ kỹ thuật theo sát dân từ khâu làm đất, xuống giống đến đầu tư chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đó, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh nên tiết kiệm khá nhiều chi phí đầu tư do dùng ít giống, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, năng suất ước đạt khoảng 80 tạ/ha.
Ông Nguyễn Văn Thuật, ở thôn Trung Chánh, người tham gia khảo nghiệm giống lúa TBR97, cho biết: Tôi làm 2 sào giống lúa TBR97. Tôi thấy cây lúa sinh trưởng phát triển rất tốt, không bị sâu bệnh nên không hề phun một loại thuốc bảo vệ thực vật nào, cây lúa trổ nhanh, hạt sáng, dày bông. So với các giống lúa trước đây tôi làm thì giống này dễ làm, ít tốn chi phí chăm sóc mà năng suất lại đạt cao”
Ông Châu Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Minh, cho biết: Từ thành công này, tới đây chúng tôi tiếp tục vận động nông dân duy trì thực hiện chuyển sang sản xuất 2 vụ lúa/năm, nhằm tiết kiệm nước tưới, chi phí đầu tư và để đất có thời gian nghỉ ngơi, tăng độ phì, tiêu diệt mầm bệnh để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, địa phương cũng tăng cường phối hợp với các đơn vị cung ứng giống và các ngành chức năng trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nông dân áp dụng vào sản xuất có hiệu quả, nhất là tạo thói quen sạ thưa hợp lý để tiết kiệm chi phí giống, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng phát triển và đạt hiệu quả cao nhất.
TRƯỜNG GIANG