Thực hiện “chiến lược 2X” - phát hiện sớm bệnh lao
Khép lại chiến dịch điều trị bệnh nhân Covid-19 với nhiều cảm xúc, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định tiếp tục công tác chuyên môn, đặc biệt là “chiến lược 2X” - phát hiện sớm bệnh nhân lao tại cộng đồng.
Nhắc lại thời gian dồn sức để điều trị bệnh nhân Covid-19 tại cơ sở chính của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định, sau đó mở rộng thêm cơ sở tại Trường CĐ Bình Định (cũ), bác sĩ Châu Văn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện tâm sự: Bây giờ, nói về thời gian đó một vài câu, thậm chí trong một câu chuyện thì dễ, nhưng trở ngược lại thời điểm đó thì phải nói biết bao nhiêu là khó khăn. Không chỉ khối lượng công việc lớn mà còn là chuyện chưa có tiền lệ. Có những lúc cao điểm, Bệnh viện điều trị đến 520 bệnh nhân một lúc. Chỉ có thể biết là cứ phải làm, cứ phải cố thôi. Không phải chỉ là nhiệm vụ buộc phải làm mà lương tâm thầy thuốc, lương tri con người buộc mình phải dốc sức ra mà làm. Người ta hay nhắc về bác sĩ, về công tác điều trị nhưng thật ra tôi vẫn hay nói - Khổ nhất là hộ lý, điều dưỡng. Có những khâu khuất phía sau rất vất vả như giặt đồ cho bệnh nhân chẳng hạn. Số lượng bệnh nhân lớn, giặt làm sao để không lây nhiễm chéo cũng là cả một vấn đề. Rồi vấn đề xử lý rác. Áp lực lắm nhưng may thay, với tinh thần đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, chúng tôi đã hoàn thành được nhiệm vụ, giúp nhiều bệnh nhân khỏi bệnh. Chúng tôi rất hạnh phúc khi chữa trị thành công cho rất nhiều bệnh nhân trong một khung thời gian dồn nén nhiều áp lực. Đây là điều có giá trị lớn lao nhất với người thầy thuốc!
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định đang lập kế hoạch triển khai bệnh án điện tử. Ảnh: Đ. THẢO
Đang điều trị tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân Lê Văn Trình, 65 tuổi ở TX Hoài Nhơn, cho biết: Tôi bị tràn dịch phổi, nhập viện từ ngày 27.3, bên cạnh đó các bác sĩ còn bảo tôi bị di chứng hậu Covid-19, cũng ảnh hưởng đến phổi. Thật sự bị vấn đề về phổi nên dù ở xa tôi cũng cố gắng vào viện này vì dù sao điều trị ở bệnh viện chuyên khoa cũng giúp tôi yên tâm hơn. Để an toàn, tôi chuẩn bị sẵn nước sát khuẩn, khẩu trang trước khi nhập viện để thực hiện đúng 5K. Nhân viên y tế ở đây, từ bác sĩ đến điều dưỡng đều rất tận tình, điều này khiến tôi yên tâm điều trị.
Chia sẻ về thời gian lấy cơ sở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định làm nơi điều trị Covid-19, bác sĩ Tuấn chia sẻ thêm: Ban đầu, định lấy toàn bộ Bệnh viện để điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhưng bệnh nhân lao phổi không có nơi chữa trị nên chúng tôi dành ra một khu điều trị bệnh nhân lao phổi song song với điều trị bệnh nhân Covid-19. Để có thể đảm bảo nhân lực, chúng tôi động viên nhân viên cố gắng hơn với tinh thần tự khắc phục khó khăn để vượt qua. Bây giờ, khi các địa phương triển khai điều trị tại nhà nên chúng tôi đã hết bệnh nhân Covid-19. Thời gian đến, chúng tôi tập trung cho công tác chuyên môn.
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định đang được sửa chữa cải tạo Khoa Lao, Khoa Bệnh phổi và Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Xét nghiệm. Dự kiến tháng 6.2022 hoàn thành, bệnh nhân sẽ có nơi khám chữa bệnh tốt hơn. Vì đang trong thời gian cải tạo, sửa chữa nên hiện tại chỉ có khoảng 30 bệnh nhân điều trị nội trú. Giống như nhiều cơ sở y tế khác, đối với bệnh nhân nội trú, các khoa sẽ thực hiện sàng lọc trước khi nhập viện.
Bác sĩ CKI Châu Thị Hồng Nga, bác sĩ điều trị tại Khoa Cấp cứu, cho biết: Thời gian dịch bệnh vẫn còn nên bệnh nhân cũng e dè khi đến khám, chữa bệnh, dù vậy số lượng bệnh nhân tại khoa vẫn cao. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, chúng tôi nghiêm túc thực hiện 5K, sàng lọc trước khi bệnh nhân vào nội trú và sàng lọc định kỳ.
Hiện tại, tỷ lệ mắc lao phổi AFB (+) tại Bình Định khoảng ≤ 30 bệnh nhân/100 nghìn dân. Để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, triển khai bệnh án điện tử, thời gian đến, Bệnh viện tập trung thực hiện “chiến lược 2X” - phát hiện sớm bệnh nhân lao tại cộng đồng. Theo đó, bệnh viện sẽ thực hiện phương châm của “chiến lược 2X” là mỗi bệnh nhân sẽ được thực hiện chụp X-quang và xét nghiệm Xper để phát hiện sớm nếu có bệnh lao. Bên cạnh đó, bệnh viện sẽ chủ động tầm soát phát hiện người mắc lao tiềm ẩn để ngăn chặn nguồn lây, giảm di chứng.
Ghi nhận những nỗ lực của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long nhận xét: Trong giai đoạn Covid-19, rất may Bình Định có một bệnh viện chuyên khoa lao phổi. Ngoài chăm sóc bệnh nhân chuyên khoa, từ giữa năm 2021, Bệnh viện trở thành tuyến cuối điều trị Covid-19. Để đảm bảo cả 2 bên, đây là nỗ lực rất lớn. Thời gian đến, tôi mong muốn Bệnh viện nỗ lực phát hiện sớm người mắc bệnh lao tiến đến loại trừ bệnh lao.
ĐỖ THẢO