Bảo tàng tỉnh xuất bản sách để quảng bá tư liệu
Những năm qua, cùng với công tác nghiên cứu, khảo cổ, sưu tầm bổ sung hiện vật trưng bày để phục vụ công chúng, Bảo tàng tỉnh còn chú trọng biên soạn sách nhằm quảng bá tư liệu, giúp du khách, người thích nghiên cứu có thêm dữ liệu khoa học về các hiện vật, sự kiện lịch sử.
Theo ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Bình Định thành lập năm 1980, hiện lưu giữ, trưng bày hơn 15.000 hiện vật, hình ảnh, tài liệu lịch sử, văn hóa của Bình Định và trong nước. Ngoài thường xuyên nâng cấp không gian trưng bày, bổ sung hiện vật để giới thiệu khách tham quan, Bảo tàng còn chú trọng việc xuất bản sách nhằm góp phần tuyên truyền, phát huy các di sản lịch sử, văn hóa lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh đến với công chúng. Riêng giai đoạn từ năm 2016 - 2021, Bảo tàng tỉnh xuất bản 3 đầu sách, gồm: Giới thiệu một số hiện vật bảo tàng (năm 2016); Gốm kiến trúc đền tháp Champa Bình Định (năm 2017); Kỷ vật kháng chiến (năm 2021).
Các đầu sách do Bảo tàng tỉnh thực hiện góp phần quan trọng quảng bá tư liệu về lịch sử, văn hóa đất Bình Định. - Trong ảnh: Cán bộ chuyên môn của Bảo tàng tỉnh tham khảo tư liệu, hiện vật để viết sách. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Những đầu sách do Bảo tàng tỉnh biên soạn, phát hành cónội dung cô đọng kèm nhiều hình ảnh hiện vật, sự kiện lịch sử, văn hóa đã tái hiện được không gian lịch sử, sự kiện sinh động, giúp người đọc dễ tiếp cận, hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa vùng đất Bình Định. Nhờ đó, những hiện vật đang lưu giữ tại đây lan tỏa, phát huy giá trị trong việc phục vụ quảng bá Bảo tàng tỉnh, phục vụ hoạt động du lịch.
Bà Hoàng Yến, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Mỗi hiện vật nhập kho đều có hồ sơ lý lịch trên cơ sở đánh giá của Hội đồng khoa học bảo tàng. Chính những lý lịch hiện vật là cơ sở đầu tiên để phục vụ việc tham khảo, nghiên cứu biên soạn sách. Cùng với việc tham khảo lý lịch hiện vật, chúng tôi còn đúc kết thực tế từ các cuộc khai quật khảo cổ, những chuyến điền dã, sưu tầm hiện vật, lấy ý kiến các chuyên gia để viết sách. Những trang sách như thế sẽ tạo đường dẫn để công chúng đến với Bảo tàng, để người hâm mộ Bình Định có thêm động lực về thăm xứ Nẫu”.
Những đầu sách do Bảo tàng tỉnh thực hiện không những là nguồn sử liệu quan trọng phục vụ việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa của dân tộc để cung cấp tư liệu, hình ảnh phục vụ công chúng, mà còn đóng góp quan trọng trong hoạt động chuyên môn của Bảo tàng.
Ông Nguyễn Viết Tuấn, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Trưng bày - Tuyên truyền Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Chúng tôi nỗ lực viết sách nhằm chuyển tải những dữ kiện cô đọng nhất đến với công chúng, góp phần nâng cao hiệu quả việc tham quan, nghiên cứu tại Bảo tàng tỉnh. Các đầu sách này cũng là tư liệu quan trọng để di sản viên của chúng tôi tham khảo, thuyết minh cho du khách khi đến tham quan Bảo tàng tỉnh”.
Theo kế hoạch năm 2022, cùng với công tác sưu tầm bổ sung thêm hiện vật trưng bày, số hóa dữ liệu di sản văn hóa, lịch sử tại bảo tàng; sắp xếp, phân loại các hiện vật, tài liệu, sách, báo, phim ảnh đang lưu giữ, bảo quản, trưng bày, Bảo tàng tỉnh tiếp tục xuất bản ấn phẩm giới thiệu các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, thông tin: Năm nay, đơn vị được phân bổ kinh phí khoảng 100 triệu đồng để thực hiện việc xuất bản ấn phẩm nhằm cung cấp, giới thiệu đầy đủthông tin các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh trong tỉnh đến với du khách tham quan, góp phần gắn kết di tích với phát triển du lịch. Dự kiến chúng tôi sẽ thực hiện ấn phẩm kiểu bỏ túi với những thông tin thuyết minh về các di tích, nhất là các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã in sâu vào lòng du khách, như các tháp Chăm, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Champa, đền thờ Đào Duy Từ, đền thờ Đào Tấn, thắng cảnh Hầm Hô, Ghềnh Ráng…
ĐOÀN NGỌC NHUẬN