TÌNH TRẠNG MỞ ĐƯỜNG KHAI THÁC, VẬN CHUYỂN GỖ RỪNG TRỒNG:
Siết chặt để bảo vệ môi trường sinh thái
Về các huyện miền núi, trung du, nhìn lên các khu vực đồi, núi, không khó để nhận ra tình trạng mở đường dọc, ngang để khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng diễn ra khá phổ biến. Do chưa có quy định cụ thể của pháp luật về việc mở đường để khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng nên mạnh ai nấy mở đường đến từng khu vực, khoảnh rừng của mình để tiện cho việc khai thác, vận chuyển gỗ.
Ông Đinh Văn Mức (ở làng Kà Xiêm, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) lo lắng nói: “Do không được quản lý nên hầu như các hộ có rừng trồng ở địa phương đều tự ý mở đường khai thác rừng sao cho thuận lợi nhất. Từ những con đường dọc, ngang mở bừa bãi trên các sườn đồi, khi gặp mưa lớn đã tạo ra các dòng chảy cuốn theo đất đá gây bồi lấp ruộng, vườn, đe dọa cuộc sống người dân”.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong các đợt mưa lũ xảy ra vào cuối năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra gần 40 điểm sạt lở núi. Nguyên nhân được xác định một phần là do tình trạng mở đường khai thác, vận chuyển gỗ thiếu khoa học, gây biến động địa chất, khi xảy ra mưa lũ lớn tạo các dòng chảy lớn, dẫn đến hiện tượng sạt lở.
Ông Phạm Minh Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Canh Thuận (huyện Vân Canh), cho biết: “Xử lý việc mở đường khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng đối với cá nhân và hộ gia đình là rất khó, vì lâu nay chưa có quy định nào của cơ quan chức năng về vấn đề này. Xã nhận thấy rằng hệ lụy từ việc mở đường khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng là rất lớn nhưng gặp lúng túng trong xử lý”.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Hòa - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, để quản lý tốt tình trạng mở đường, vận chuyển khai thác gỗ rừng trồng thì vai trò của chính quyền địa phương và cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn là rất quan trọng. Hạt kiểm lâm đã tham mưu cho UBND huyện Hoài Ân ban hành văn bản yêu cầu chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý tình trạng này.
Theo ông Huỳnh Ngọc Bảo - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), theo quy định của pháp luật, các công ty, ban quản lý rừng phòng hộ khi triển khai các dự án trồng rừng kinh tế phải xây dựng hồ sơ thiết kế rừng trồng trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong hồ sơ thiết kế có quy định cụ thể việc mở đường khai thác, vận chuyển gỗ sao cho đảm bảo an toàn, tránh gây hậu quả đối với môi trường sinh thái. Còn đối với các hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng kinh tế thì lâu nay chưa có văn bản pháp luật nào yêu cầu phải xây dựng hồ sơ thiết kế. Đây là kẽ hở khiến việc xử lý đối với các cá nhân, hộ gia đình mở đường khai thác, vận chuyển gỗ là rất khó thực hiện.
Từ thực trạng này, đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần nghiên cứu, xem xét ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý việc mở đường khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng; đồng thời có biện pháp siết chặt quản lý để giảm thiểu nguy cơ sạt lở núi mỗi khi mùa mưa lũ đến với nguyên nhân chính từ việc mở đường vận chuyển, khai thác gỗ của các cá nhân, hộ gia đình.
NGUYỄN HÂN