NẠN XUNG ĐIỆN, XIẾC MÁY TRÊN ĐẦM THỊ NẠI:
Khó xử lý do vướng luật
Theo các ngành chức năng huyện Tuy Phước, tại địa phương có hơn 140 trường hợp hành nghề xung điện, xiếc máy trên đầm Thị Nại (thuộc địa phận huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn). Trong đó, xã Phước Thuận gần 100 trường hợp, xã Phước Sơn 30 trường hợp và xã Phước Hòa hơn 10 trường hợp.
Các trường hợp hành nghề xung điện, xiếc máy thường hoạt động theo mùa vụ; chủ yếu đánh bắt thủy hải sản vào ban đêm nhằm “né” chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, các trường hợp này còn cử người theo dõi lực lượng tuần tra; khi có “động” thì cho phương tiện vào nằm bờ, lực lượng làm nhiệm vụ không thể bắt quả tang nên rất khó xử lý.
Ghe gắn xung điện, xiếc máy đậu tại bến đò Nhân Ân nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng không thể xử lý. Ảnh: C.L
Thực trạng này khiến nạn xung điện, xiếc máy trên đầm Thị Nại vẫn diễn ra âm ỉ. Bà Trần Thị Lài (ở thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận) than thở: “Ghe gắn xung điện, xiếc máy đánh bắt thủy hải sản theo kiểu tận diệt; các loại cá, tôm, cua… lớn nhỏ đều chết sạch khi gặp luồng điện chích xuống nước. Còn nguồn lợi thủy hải sản ngày càng bị hủy hoại, cạn kiệt; ảnh hưởng xấu đến công việc của những người hành nghề đánh bắt truyền thống ven khu vực đầm Thị Nại”.
Một lãnh đạo UBND xã Phước Sơn cho biết, địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ dân không được hành nghề xung điện, xiếc máy trên đầm Thị Nại; định hướng chuyển đổi sang hoạt động khai thác thủy sản hợp pháp. Tuy nhiên, các hộ dân hành nghề xung điện, xiếc máy đã lâu năm và là nguồn thu nhập kinh tế chính nên việc chuyển đổi nghề rất khó khăn.
Trước thực trạng này, xã thành lập tổ công tác và xây dựng kế hoạch phòng, chống xung điện, xiếc máy để tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Nhờ đó, có thời điểm nạn xung điện, xiếc máy trên đầm Thị Nại được kiểm soát, xử lý có hiệu quả. Tuy nhiên, sau khi Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực, tổ công tác tuần tra, xử lý không còn được duy trì.
Ông Phan Văn Khiêm - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, lý giải: Theo quy định tại khoản 2, Điều 88 Luật Thủy sản năm 2017, cấp xã không đủ thẩm quyền để truy đuổi, bắt, giữ và áp dụng các biện pháp ngăn chặn khi các trường hợp hành nghề xung điện, xiếc máy không tuân theo hiệu lệnh, chống đối hoặc cố tình bỏ chạy. Bên cạnh đó, không cho phép tổ tuần tra quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ nên không thể duy trì như trước kia.
Đáng nói, đa số ghe gắn xung điện, xiếc máy tập trung ở khu vực bến đò Nhân Ân (xã Phước Thuận). Chính quyền địa phương và các ngành chức năng thừa biết các phương tiện này dùng để đánh bắt thủy hải sản trái phép. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ có thể xử lý khi bắt quả tang phương tiện đang hành nghề; còn lúc phương tiện nằm bờ thì không thể làm gì.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Nguyễn Ngọc Xuân, thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các xã khu Đông tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không đánh bắt bằng phương tiện xung điện, xiếc máy để bảo vệ nguồn lợi thủy sản khu vực đầm Thị Nại. Kịp thời phối hợp với lực lượng chức năng liên quan tuần tra, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Về lâu dài, huyện kiến nghị các ngành chức năng của tỉnh xây dựng đề án phát triển khu du lịch sinh thái đầm Thị Nại; tạo công ăn việc làm bền vững, giúp người dân chuyển đổi nghề.
CÔNG LUẬN