Các quy định pháp luật phải đồng bộ, tương thích
Trong 2 ngày 28 và 29.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 4 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Cả 4 dự án luật này đều đã được thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Quy định pháp luật phải rõ ràng, khả thi
Xung quanh dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm là thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đa số ý kiến ĐBQH tán thành phương án không thu hẹp, giữ nguyên như quy định hiện hành; một số ý kiến tán thành thu hẹp và đề nghị quy định lộ trình thực hiện. Tiếp thu ý kiến đa số ĐBQH, nội dung này sẽ được giữ như quy định của Luật hiện hành.
Với hướng tiếp thu trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) cho rằng, giữ nguyên như hiện hành là có cơ sở cả về lý thuyết và thực tiễn, không mâu thuẫn gì với vấn đề vừa xử lý hành chính, vừa giải quyết tranh chấp bằng cơ chế dân sự tại tòa án.
“Về mặt thực tiễn, hiện nay nếu chúng ta giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ cơ bản bằng cơ chế tòa án, không có xử lý hành chính hay là xử lý ở phạm vi hẹp, dẫn đến quá tải cho hệ thống tòa án. Không chỉ quá tải về số lượng công việc, mà chúng ta phải nhìn nhận một thực tế là năng lực, sự chuẩn bị về điều kiện chuyên môn của tòa án để giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ chưa phải đã tốt trong điều kiện chưa có một tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ”, ĐB Ba phân tích thêm.
ĐB Đồng Ngọc Ba tham gia đóng góp ý kiến. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), ĐB Đồng Ngọc Ba đặt ra yêu cầu phải rà kỹ lại các mục tiêu, quan điểm, các điều khoản đã rõ ràng chưa để có cơ sở thực hiện. Để phát triển điện ảnh thành một ngành công nghiệp, thì các nội dung đưa ra còn tương đối mờ nhạt, khó thực thi.
“Nếu phát triển điện ảnh thành một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế thì phải có các giải pháp, biện pháp về kinh tế. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ về tín dụng, đất đai, đặc biệt là thuế rất quan trọng, nhưng các quy định còn rất chung chung”, ĐB Ba nêu quan điểm.
Đặc biệt, theo Điều 41 về chính sách ưu đãi cho tổ chức nước ngoài làm phim sử dụng bối cảnh quay phim tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức Việt Nam cung cấp được ưu đãi về thuế. Quy định này là chính sách mới và không tương thích với Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành; nếu quy định này được thông qua thì chắc chắn sắp tới phải sửa Luật Thuế giá trị gia tăng.
Không cứng nhắc về thời gian, thời hạn
Xung quanh dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh bày tỏ đồng tình với quan điểm của nhiều đại biểu về việc xem xét, mở rộng đối tượng được tặng thưởng Huy chương Thanh niên xung phong (TNXP) vẻ vang đối với người tham gia lực lượng TNXP sau năm 1975.
Bên cạnh đó, ĐB Hạnh nêu một thực tế tại các tỉnh ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong đó có Bình Định, trong kháng chiến có lực lượng TNXP tham gia rất đông. Ngoài lực lượng TNXP Quân khu 5, tại Bình Định còn có các đơn vị như TNXP Nguyễn Kim, TNXP Ngô Mây… Lực lượng này được bổ sung thường xuyên, có những đồng chí chỉ tham gia trong vòng 6 tháng đến 1 năm; thực tế họ đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sau đó lực lượng này một phần bổ sung vào các đơn vị quân đội để trực tiếp chiến đấu, một phần bổ sung vào ngành giao thông, bưu điện… để làm các nhiệm vụ khác theo sự phân công.
Từ thực tế đó, nếu quy định phải tham gia lực lượng liên tục từ 2 năm trở lên, hoàn thành nhiệm vụ thì có rất nhiều người có cống hiến, thậm chí cống hiến rất xuất sắc cũng không đủ điều kiện để được tặng thưởng Huy chương TNXP vẻ vang.
“Quốc hội cần xem xét để khen thưởng đúng người, đúng việc và đúng đối tượng, không câu nệ quá về thời gian, thời hạn”, ĐB Hạnh nói.
Tương tự, theo quy định tại Điều 95 của dự thảo, TNXP hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đã được công nhận liệt sĩ, có thời gian tại ngũ 1 năm trở lên thì đề nghị được truy tặng Huy chương TNXP vẻ vang. Theo ĐB Hạnh, ở đây cũng không nên quy định cứng thời gian tại ngũ 1 năm trở lên, bởi vì họ đã là liệt sĩ, là TNXP hy sinh khi phục vụ kháng chiến; chỉ cần quy định đối tượng là TNXP đã được công nhận liệt sĩ.
MAI LÂM