Phát triển đoàn viên và tổ chức công đoàn: Gắn với lợi ích thiết thực của đoàn viên
Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp chỉ đạt hiệu quả khi mang đến lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động.
Theo ông Lê Từ Bình, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh kiêm Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế (KKT) tỉnh, để thực hiện được mục tiêu theo Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 12.6.2021 về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, đòi hỏi các cấp công đoàn cần tìm ra giải pháp phù hợp. Trong đó, quan trọng là các giải pháp để phát triển tổ chức công đoàn trong DN đóng ở các khu công nghiệp (KCN), bởi đây là nơi tập trung đông đảo lực lượng lao động.
Ngày 26.3.2022, Công đoàn KKT tỉnh tổ chức kết nạp 338 đoàn viên và công bố quyết định thành lập Công đoàn cơ sở Công ty TNHH B&D Lingerie Việt Nam (KKT Nhơn Hội, TP Quy Nhơn). Ảnh: NGUYỄN MUỘI
Trong năm 2021, trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công đoàn KKT tỉnh đã có nhiều nỗ lực phát triển số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở (CĐCS) đều vượt chỉ tiêu do LĐLĐ tỉnh giao. Cụ thể, đã kết nạp 864 đoàn viên mới (chỉ tiêu giao 594), thành lập 9 CĐCS (chỉ tiêu 7). Qua đó, nâng tổng số đoàn viên đến hết năm 2021 lên 7.713 người tại 114 CĐCS. Năm 2022, Công đoàn KKT tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác này, qua 3 tháng đầu năm đã kết nạp 894 đoàn viên mới, thành lập mới 9 CĐCS.
Để có được kết quả trên, Công đoàn KKT tỉnh đã có những cách làm mới, “tự vào vai” của người lao động để xem họ cần gì, từ đó chủ động chăm lo cho người lao động. Trong đó, có việc phối hợp với Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (CA tỉnh) xây dựng chương trình làm thủ tục cấp căn cước công dân cho 1.100 người lao động ở 5 DN. Nhờ đó, người lao động không phải xin nghỉ việc để đi làm căn cước, ảnh hưởng đến năng suất lao động, thu nhập của họ và dây chuyền sản xuất của DN. Công đoàn KKT còn trao túi đồ dùng cá nhân gồm những vật dụng thiết yếu cho 806 người lao động ở 6 công ty, sử dụng trong thời gian DN bị phong tỏa tạm thời để phòng, chống dịch Covid-19.
CĐCS Chi nhánh Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Trung tại Quy Nhơn có 145 đoàn viên, chiếm tỷ lệ 100% cán bộ, nhân viên. Ban chấp hành CĐCS đã phối hợp tốt với lãnh đạo DN trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định. 100% người lao động tại Chi nhánh được tham gia đóng các loại bảo hiểm, khám sức khỏe định kỳ... Trong năm 2021, tình hình dịch Covid-19 khiến hoạt động đơn vị gặp nhiều khó khăn, CĐCS đã tích cực phối hợp với Ban Giám đốc tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống đoàn viên, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn; tặng thưởng cho con em người lao động có thành tích học tập giỏi; tham gia phong trào xã hội từ thiện... với tổng số tiền trên 1,4 tỷ đồng.
Còn tại Nhà máy thức ăn gia súc của Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam (KCN Nhơn Hòa, TX An Nhơn), hơn 200 lao động đều là đoàn viên công đoàn. Ban chấp hành CĐCS đã phối hợp tốt với lãnh đạo DN quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho đoàn viên, người lao động, như các loại bảo hiểm; khám sức khỏe định kỳ cho tất cả người lao động, hỗ trợ thanh toán chi phí khám chữa bệnh... Trong thời điểm Nhà máy tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” bởi dịch Covid-19 năm 2021, người lao động được hỗ trợ tiền ăn, phụ cấp...
Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại TP Quy Nhơn là DN FDI (chủ DN người Ấn Độ,) có gần 900 lao động (80% là lao động nữ), phần lớn chỉ học hết cấp II. Theo bà Dương Thị Trâm, Phó Chủ tịch CĐCS Chi nhánh, người lao động thấy công đoàn thật sự cần thiết thì họ sẽ tự nguyện gia nhập; yếu tố quan trọng đầu tiên thu hút người lao động phải từ ảnh hưởng của CĐCS qua những việc quan tâm cụ thể, hỗ trợ thiết thực. 100 người lao động có con đạt thành tích tiêu biểu trong học tập vừa được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Đến nay, đã có hơn 200 người lao động của Chi nhánh tự làm đơn xin gia nhập vào tổ chức công đoàn.
HOÀI THU