Canh tác lúa theo hướng hữu cơ: Hướng đi mới nhiều triển vọng
Vụ Ðông Xuân 2021 - 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở NN&PTNT) phối hợp với các địa phương xây dựng 3 mô hình sản xuất thâm canh lúa cải tiến theo hướng hữu cơ với quy mô diện tích 15 ha (5 ha/mô hình), 146 nông hộ tham gia. Kết quả, cả 3 mô hình đều cho kết quả rất khả quan.
Hội thảo tổng kết 2 mô hình thâm canh lúa cải tiến theo hướng hữu cơ tại phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn) và xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân) cho thấy các mô hình cho năng suất trung bình 70 - 72 tạ/ha. Riêng tại xã Canh Vinh (huyện Vân Canh), do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thời gian đánh giá lùi lại sang tháng 4. Tuy nhiên, thông tin từ cán bộ khuyến nông đứng chân địa bàn, mô hình tại Canh Vinh đạt cả về năng suất và chất lượng.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hội thảo tổng kết mô hình thâm canh lúa theo hướng hữu cơ tại Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông tỉnh
So sánh trên cùng quy mô diện tích 5 ha, canh tác theo phương pháp hữu cơ có vốn đầu tư khoảng 99 triệu đồng, phương pháp như lâu nay là 112 triệu đồng. Chi phí giảm là nhờ mật độ sạ giảm, dẫn tới lượng giống sử dụng giảm (500 kg/ha so với 700 kg/ha). Về vật tư nông nghiệp, phương pháp mới chú trọng vào chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ và các loại phân tự sản xuất với nguồn nguyên liệu tại chỗ, giá rẻ; trong khi kiểu canh tác lâu nay sử dụng nhiều các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng - thời điểm này giá đang tăng cao. Ở hiệu quả kinh tế, phương pháp mới đem lại mức lãi khoảng 117 triệu đồng còn phương pháp như lâu nay chỉ khoảng 94 triệu đồng.
“Cốt lõi của cách làm ruộng mới là giảm mật độ sạ giống, không sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học, thăm đồng thường xuyên và bảo vệ thiên địch, tiết kiệm nước tưới. Chúng tôi rất phấn khởi khi lúa đạt cả về năng suất, chất lượng. Và quan trọng hơn nữa là giữ gìn được sức khỏe cho bà con nông dân do ít tiếp xúc với hóa chất BVTV, cái này thì không đo đếm bằng tiền được”, ông Hồ Quang Thạch, cán bộ kỹ thuật khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đứng chân tại mô hình tại huyện Hoài Ân chia sẻ.
Hiệu quả kinh tế là điều dễ thấy ngay khi đánh giá mô hình. Nhưng sản xuất lúa theo hướng mới này đưa tới nhiều lợi ích bền vững khác. Giảm tối đa việc sử dụng hóa chất BVTV giúp hạn chế ô nhiễm trên đồng ruộng; lúa gạo không tồn dư chất hóa học, sức khỏe của người sản xuất lẫn người tiêu dùng đều được cải thiện rõ ràng. Thêm nữa, trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng cao, đặc biệt là các loại phân bón, người dân chuyển đổi sang sử dụng sản phẩm hữu cơ, chế phẩm sinh học giúp tiết kiệm chi phí. Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, khẳng định: Về lâu dài, việc hướng nông dân thay đổi phương pháp canh tác truyền thống góp phần hướng tới mục tiêu sản xuất nông nghiệp bền vững.
Cái khó của phương pháp này là yêu cầu nông dân phải tuân thủ về kỹ thuật, áp dụng sản xuất trên cùng một diện tích - một loại giống, đúng thời vụ… Do vậy, nông dân cần có thời gian thích ứng và thay đổi. Từ thực tế đó, trong quá trình triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cử cán bộ đứng chân mô hình, đồng thời hợp tác với cán bộ khuyến nông cơ sở theo sát và hỗ trợ nông dân. Từ kết quả đạt được trong vụ Đông Xuân 2021 - 2022, vụ Hè Thu 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thêm 3 mô hình tại 2 huyện Tây Sơn và Vĩnh Thạnh, quy mô diện tích 15 ha.
● Bà con nông dân rất phấn khởi
Bà con tham gia mô hình rất phấn khởi khi lúa được mùa, giá bán ổn định, lợi nhuận tăng lên. Vì đây là kỹ thuật mới nên một số bà con chưa nhuần nhuyễn, tuy vậy nhờ cán bộ khuyến nông thường xuyên hỗ trợ, xuống đồng trực tiếp với nông dân nên bà con mau chóng làm quen mọi việc. Chúng tôi đang đề xuất Trung tâm Khuyến nông tỉnh, TX Hoài Nhơn tạo điều kiện nhân rộng mô hình.
Bà Trần Thị Kim Oanh cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX Hoài Nhơn
● Chúng tôi sẽ làm theo cách mới trong vụ Hè Thu
Canh tác lúa cải tiến theo hướng hữu cơ có rất nhiều cái hay, dù năng suất thấp hơn so với canh tác truyền thống 5 - 7 tạ/ha, nhưng bù lại phẩm cấp tốt hơn nhiều, giá bán ra cao hơn, nên về hiệu quả tốt hơn. Cái khó là phải kiên trì, học hỏi và nắm bắt kỹ thuật để áp dụng hiệu quả. Nhưng nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn chi tiết, thường xuyên nên chúng tôi đã làm chủ được kỹ thuật sản xuất. Vụ Đông Xuân vừa rồi nhóm 46 hộ chúng tôi tham gia thực hiện phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ trên diện tích 5 ha, hiệu quả kinh tế cao hơn thấy rõ. Vì vậy trong vụ Hè Thu tới đây, với sự hỗ trợ của huyện và HTXNN Ân Tường Tây, chúng tôi sẽ tiếp tục làm theo phương pháp mới!
Ông Nguyễn Văn Thiện thôn Phú Hữu 2, xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân)
THU DỊU