Nga đánh giá tích cực cuộc hòa đàm với Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ
Trợ lý Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Medinsky, trưởng phái đoàn Nga nêu rõ Moskva đang thực hiện hai bước đối với Kiev và đề xuất tổ chức cuộc gặp của Tổng thống Nga và Ukraine sớm hơn dự định.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (giữa) trong cuộc gặp phái đoàn Nga (trái) và Ukraine (phải) tại thành phố Istanbul, ngày 29.3. Ảnh: AFP/TTXVN.
Theo hãng tin TASS của Nga, các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine diễn ra tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 29.3 mang tính xây dựng.
Trên đây là đánh giá của trợ lý Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Medinsky, trưởng phái đoàn Nga tham gia hòa đàm.
Phát biểu với báo giới, ông Medinsky nêu rõ Moskva đang thực hiện hai bước đối với Kiev và đề xuất tổ chức cuộc gặp của Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Vladimir Zelensky sớm hơn dự định - đồng thời với việc ký kết hiệp ước hòa bình ở cấp bộ ngoại giao.
Ngoài ra, quân đội Nga sẽ giảm mạnh hoạt động ở các khu vực gần Kiev và Chernihiv.
Trưởng đoàn đàm phán Nga cho biết phái đoàn Nga tại Istanbul đã nhận được đề xuất bằng văn bản của Ukraine về một thỏa thuận giữa các bên "được xây dựng một cách rõ ràng".
Moskva sẽ xem xét các đề xuất của Kiev trong thời gian tới, báo cáo với tổng thống và sau đó sẽ đưa ra câu trả lời. Trao đổi với hãng tin RT, ông Medinsky nhấn mạnh thực chất các đề xuất đã được gửi tới Ukraine ngay từ đầu, nhưng bây giờ hai bên đều hiểu cách để tiến tới một sự thỏa hiệp.
Ngoài ra, theo trợ lý của tổng thống, Nga đang thực hiện "hai bước để giảm leo thang xung đột" - trên phương diện chính trị và quân sự. Bước đầu tiên là Nga đề xuất xúc tiến một cuộc gặp có thể có của các nhà lãnh đạo và bước thứ hai, do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin công bố, là giảm hoạt động quân sự ở gần Kiev và Chernihiv.
Tuy nhiên, ông Medinsky nhấn mạnh điều này không phải là một lệnh ngừng bắn, mà thể hiện mong muốn của Moskva nhằm giảm leo thang xung đột "ít nhất là tại đây".
Trưởng phái đoàn Nga nêu rõ giảm các hoạt động quân sự gần Kiev là cần thiết để tránh các rủi ro phát sinh vì tại đây có những người phải đưa ra quyết định.
Về phần mình, ông Oleksandr Chaly, một thành viên của phái đoàn Kiev, cho biết Ukraine đồng ý duy trì quy chế trung lập và phi hạt nhân hóa với điều kiện được đảm bảo an ninh, mà "về nội dung và hình thức phải tương tự như Điều 5" của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.
Theo ông, điều này liên quan đến sự hỗ trợ quân sự và thậm chí cả việc thiết lập vùng cấm bay sau 3 ngày tham vấn để giải quyết vấn đề về mặt ngoại giao. Ông nhấn mạnh Ukraine sẽ không cho phép lực lượng nước ngoài đồn trú trên lãnh thổ của mình cũng như triển khai quân sự tại đây.
Tuy nhiên, theo quan chức này, các cuộc tập trận quân sự sẽ vẫn được phép diễn ra tại Ukraine với các quốc gia “bảo lãnh”.
Theo đề xuất trên, các quốc gia này có khả năng gồm các nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng Đức, Israel, Italy, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada. Phía Kiev cũng yêu cầu các nước "bảo lãnh" thúc đẩy tiến trình Ukraine có thể gia nhập Liên minh châu Âu.
Theo Phương Hồ (TTXVN/Vietnam+)