Giao thông “đi trước, mở đường”
Liên tục 47 năm qua, so với cả nước, tỉnh ta thuộc nhóm các tỉnh thành phát triển mạnh hệ thống giao thông. Giao thông luôn “đi trước, mở đường” là quan điểm cốt lõi, là khâu đột phá chiến lược để đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Giao thông đi trước một bước
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, gần nửa thế kỷ qua, ngành GTVT tỉnh luôn thể hiện tinh thần “đi trước mở đường” làm tiền đề phát triển KT-XH ở địa phương. Nhiều công trình đã và đang được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp đã tạo ra những “mạch máu” giao thông quan trọng cho nền kinh tế.
Mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh dài 11.227,46 km. Toàn tỉnh có 886,17 km đường đô thị, tập trung chủ yếu tại TP Quy Nhơn và TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn, chủ yếu là đường 2 - 4 làn xe. Đường giao thông nông thôn (GTNT) ở tỉnh ta chủ yếu là đường bê tông với tổng chiều dài 9.169 km. Đặc biệt, chỉ riêng giai đoạn từ năm 2016 - 2020, toàn tỉnh đã xây dựng 1.132 km đường. Các tuyến đường GTNT hầu hết đã được đúc bê tông xi măng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản, phát triển đời sống...
Nhiều tuyến đường nội thị ở An Nhơn được đầu tư nâng cấp khang trang, sạch đẹp. Ảnh: HẢI YẾN
Hệ thống đường giao thông phát triển đã ảnh hưởng tích cực đến tốc độ phát triển KT-XH, tác động sâu sắc đến đời sống nhân dân. Ông Nguyễn Văn Sum, 73 tuổi, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước kể: Trước kia, từ thôn Quảng Vân đi TP Quy Nhơn phải hơn 60 phút thì nay chưa đầy 15 phút chạy xe bon bon trên QL 19 mới. Đường sá thuận lợi, dân tình phấn khởi, khí thế làm ăn hăng hái thấy rõ.
TX An Nhơn sẽ phát triển từ đô thị loại III lên thành phố vào năm 2025. Hiện nay, có 36 công trình giao thông thực hiện gần 1.500 km đường tại TX An Nhơn. Ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho biết: Để đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TX An Nhơn lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025), thị xã huy động nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông và đô thị. Phát triển được nền tảng này thì nhiều ngành KT-XH có động lực, cơ sở để phát triển theo, tạo điều kiện để tiến lên thành phố.
Đảm bảo tiến độ các dự án giao thông quan trọng
Từ năm 2015 đến nay, Bình Định đầu tư khoảng 12.998 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhiều tuyến đường quan trọng. Điểm đáng phấn khởi là tất cả những dự án then chốt đã phát huy hiệu quả đầu tư ngay khi đưa vào khai thác sử dụng, tác động mạnh mẽ đến phát triển đô thị và nhiều ngành kinh tế khác. Điển hình là các dự án: Nâng cấp, mở rộng QL 1D đoạn từ ngã ba Long Vân đến bến xe liên tỉnh dài 7,5 km, tổng mức đầu tư 756 tỷ đồng; Đường phía tây tỉnh (ĐT 638) 13,8 km/1.554 tỷ đồng; QL19 đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến điểm giao nhau với QL 1 - 17,4 km/4.411 tỷ đồng; đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài - 18,5km/1.824 tỷ đồng…
“Các dự án chuẩn bị triển khai trên địa bàn tỉnh sắp tới đều là các công trình lớn, trọng điểm, khi hoàn thành sẽ tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối liên vùng, góp phần rất lớn thúc đẩy phát triển KT-XH. Do vậy, các đơn vị liên quan, UBND huyện, thị xã, thành phố nơi có dự án đi qua cần quyết tâm cùng ngành GTVT đảm bảo tiến độ. Mọi khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ kịp thời, cấp thiết bất kể ngày đêm để đảm bảo tiến độ các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh và dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn đi qua tỉnh”.
Trong giai đoạn mới, ngành GTVT tỉnh đang nỗ lực hết mình để đảm bảo tiến độ các dự án theo Đề án Phát triển mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được HĐND tỉnh phê duyệt. Đến nay, hầu hết các tuyến quốc lộ và đường tỉnh đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới, góp phần nâng cao khả năng khai thác và rút ngắn thời gian lưu thông. Giao thông đô thị được mở mang ngày càng khang trang; GTNT được quan tâm đầu tư góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Ông Trần Thanh Dũng, Giám đốc Sở GTVT, cho biết Sở GTVT sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển GTVT đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 để tích hợp chung vào quy hoạch của tỉnh; phối hợp với các địa phương, các cơ quan liên quan đề xuất các công trình mang tính trọng điểm, kết nối vùng, liên vùng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.
Hiện tại, ngành GTVT tỉnh tiếp tục triển khai các bước chuẩn bị để thực hiện đầu tư xây dựng giai đoạn 2026 - 2030 với tổng chiều dài tuyến 194,75km/11 danh mục. Đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 51 công trình với chiều dài 213 km thuộc các tuyến đường địa phương nhằm phục vụ phát triển kinh tế của các địa phương trong tỉnh. Đó là các tuyến đường kết nối về đường ven biển, Cảng Quy Nhơn, các khu công nghiệp, các đô thị; thông tuyến đường phía Tây tỉnh (ĐT 638) đoạn từ QL 19 đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định và một số tuyến đường phục vụ phát triển KT-XH với tổng chiều dài cần đầu tư xây dựng 299,62 km…
HẢI YẾN