Sức sống mới trên vùng căn cứ cách mạng
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, căn cứ Núi Bà (nằm ở phía Đông Nam huyện Phù Cát) giữ vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Từ nơi đây, Tỉnh ủy Bình Định đã chỉ đạo kháng chiến, mở nhiều đợt tiến công, nổi dậy góp phần làm nên chiến thắng lịch sử, giải phóng tỉnh nhà. Sau 47 năm, vùng căn cứ cách mạng xưa đã vươn mình lớn dậy với diện mạo mới và đang phát triển từng ngày.
Núi Bà là ngọn núi cao và lớn nằm trên vùng đồng bằng của huyện Phù Cát. Với diện tích khoảng 40 km2, toàn dãy núi có tất cả 66 đỉnh cao, thấp uốn lượn đan xen gấp nếp, trải dài. Với địa hình hiểm trở, Núi Bà có vị trí chiến lược, là căn cứ hoạt động của Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị vũ trang của tỉnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tại đây đã mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo LLVT và che giấu cán bộ cách mạng; làm bàn đạp mở nhiều đợt tiến công, nổi dậy trong chiến dịch “Đồng khởi khu Đông” năm 1964, chiến dịch xuân Mậu Thân năm 1968 và cuộc tổng tiến công, nổi dậy vào mùa Xuân năm 1975, giải phóng tỉnh nhà.
Khu di tích Chiến thắng Núi Bà (thị trấn Cát Tiến), nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: N.H
Theo lời kể của cụ Phạm Chi (81 tuổi, ở thôn Mỹ Thuận, xã Cát Hưng, tham gia cách mạng từ năm 1963): Tháng 9.1966, Mỹ đã huy động một lực lượng lớn gồm Sư đoàn “Mãnh Hổ” (Nam Triều Tiên), 1 lữ đoàn không vận Mỹ và 2 trung đoàn của Sư đoàn 22 ngụy mở cuộc càn quét vào khu căn cứ Núi Bà nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng. Trước khi tiến công vào căn cứ Núi Bà, địch rải quân càn vào các khu vực xung quanh, mục đích dồn cán bộ, du kích vào khu vực Núi Bà để tiêu diệt.
Trước tình thế này, tại căn cứ Núi Bà, Tỉnh ủy Bình Định đã tổ chức lãnh đạo quân và dân nhất tề nổi dậy làm cuộc “Đồng khởi khu Đông” (tháng 7.1964) hào hùng, cài thế chiến lược để kiên cường đứng vững trong cuộc đọ sức với quân viễn chinh Mỹ và chư hầu. Với “3 mũi giáp công” và vận động nhân dân nổi dậy vừa đấu tranh vũ trang, vừa đấu tranh chính trị chống lại quốc sách “ấp chiến lược” và kế hoạch “bình định nông thôn” hiểm độc của địch. Trong mưa bom, bão đạn khốc liệt, Núi Bà luôn luôn là căn cứ địa cách mạng vững chắc.
Trở lại các xã vùng căn cứ Núi Bà vào những ngày cuối tháng 3 lịch sử, chúng tôi đã cảm nhận được sự thay đổi diệu kỳ của vùng đất một thời từng hứng chịu bao đau thương mất mát.
Bí thư Đảng ủy xã Cát Hải Thái Văn Hưng phấn khởi nói: “Tuyến đường ven biển qua địa bàn xã dài 14 km vừa hoàn thành đã mở ra cơ hội đổi đời cho người dân. Nhất là giúp kết nối thông thương hàng hóa; góp phần đánh thức các tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái ven biển”. Đến nay, trên địa bàn xã đã có 4 dự án đầu tư lớn.
Khi giao thông thuận lợi, người dân Cát Hải đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đáng ghi nhận là chuyển đổi 413 ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn như: Đậu phụng, hành, ớt và các loại rau màu khác, cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với lúa.
Không chỉ Cát Hải, hầu hết các xã nằm dọc theo căn cứ cách mạng Núi Bà đều có sự bứt phá trong phát triển KT-XH. Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hưng Đỗ Xuân Tú cho biết: “Nhờthực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới màbộmặt nông thôn trên địa bàn xãkhởi sắc từng ngày. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,4%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 47 triệu đồng. Kinh tế có chuyển biến tích cực theo hướng tăng giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giảm nông - lâm - thủy sản. Với những kết quả phát triển vượt bậc, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2021”.
NGUYỄN HÂN