Triển vọng từ những giống lúa mới
Thời gian qua, Sở NN&PTNT phối hợp với các DN sản xuất, kinh doanh giống lúa triển khai khảo nghiệm nhiều giống lúa mới trên địa bàn tỉnh, qua đó đã bổ sung kịp thời một số giống mới phù hợp vào cơ cấu giống và loại bỏ một số giống không phù hợp, nhiễm sâu bệnh nặng.
Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, bên cạnh các giống lúa chủ lực như Khang Dân đột biến, ĐV108, An Sinh 1399…, ngành Nông nghiệp đưa vào sản xuất các giống mới đã đưa vào cơ cấu giống của tỉnh, gồm: Hà Phát 3, ML232, OM6600, Bắc Thịnh, VNR10, VNR20, Hương Châu 6, ĐT100, BC15, HĐ34, ĐH815-6, QNg6, QNg13, QNg28; tiếp tục triển khai khảo nghiệm các giống có triển vọng: BĐR999, BĐR57, BĐR17, BDR 79, Hạt Vàng 36, Sơn Lâm 1, VNR88, Bắc Hương 9, DQ11, ST25, TBR97, QC03…
Giống lúa thuần Hưng Long 555 khảo nghiệm tại huyện Hoài Ân trong vụ Đông Xuân 2021 - 2022. Ảnh: THU DỊU
Theo ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTXNN Nhơn Thọ 2 (TX An Nhơn), vụ Đông Xuân 2021 - 2022, HTX sản xuất thí điểm 4 ha lúa ST25 nhằm đánh giá mức độ thích hợp để phát triển dòng sản phẩm gạo ngon phục vụ thị trường. Quá trình sản xuất, giống lúa ST25 sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với chân ruộng ở Nhơn Thọ. HTX vừa thu hoạch xong diện tích sản xuất lúa ST25, thời gian tới tổ chức đánh giá về năng suất, sản lượng để có tính toán phù hợp trong việc phát triển diện tích trồng giống lúa này.
Tương tự, vụ Đông Xuân này, HTXNN Ân Hữu 1 (xã Ân Hữu, Hoài Ân), đưa vào sản xuất thử giống lúa thuần Hưng Long 555, diện tích thí điểm 0,5 ha tại khu ruộng Cây Me thuộc thôn Hội Nhơn. HTX lựa chọn những hộ dân có kinh nghiệm đứng chân mô hình, triển khai đúng quy trình và kỹ thuật trong canh tác.
Ông Đỗ Đình Phương, Phó Giám đốc HTXNN Ân Hữu 1, cho hay: Về thời gian sinh trưởng, giống lúa Hưng Long 555 cho thu hoạch sau 110 ngày, năng suất ước đạt trên 75 tạ/ha; giống này ít sâu bệnh, cứng cây, ít đổ ngã. Từ thực tế sản xuất, chúng tôi đang tính toán tiếp tục đưa vào sản xuất trong vụ tới.
Những năm qua, Hoài Ân liên tục đưa vào khảo nghiệm các giống lúa mới, nhằm tìm ra giống phù hợp với địa phương, từng bước thay thế những giống kém chất lượng; đồng thời bổ sung vào cơ cấu giống phù hợp với đặc thù của các địa phương. Ông Hoàng Anh Thiện, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cho hay: Để đánh giá chính xác, chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị cung ứng giống tiếp tục khảo nghiệm giống lúa Hưng Long 555 trên nhiều chân đất khác nhau, cả vụ Đông Xuân và Hè Thu, nhằm có hướng phát triển và bổ sung vào cơ cấu giống đặc thù của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty CP Giống Cây trồng Bình Định - một trong những đơn vị tích cực trong công tác khảo nghiệm giống lúa mới ở Bình Định, cho hay, nhằm đáp ứng yêu cầu trong sản xuất, Công ty liên tục đưa vào thực hiện các chương trình khảo nghiệm giống mới; lựa chọn những địa phương, HTX đủ điều kiện liên kết triển khai mô hình. Nhờ vậy, nhiều giống lúa mới khảo nghiệm thành công và được công nhận lưu hành như DT100, ST25; vụ Đông Xuân này, công ty đang khảo nghiệm giống lúa thuần Hưng Long 555, giống DQ11…
Ông Lê Hoài Lam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) chia sẻ, nhìn chung các giống mới đã khảo nghiệm, sản xuất trên địa bàn tỉnh đều có thời gian sinh trưởng từ ngắn đến trung bình; phù hợp sản xuất cả 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu. Nhằm tìm ra nhiều giống lúa năng suất, chất lượng, Chi cục chú trọng công tác quản lý, phối hợp trong hỗ trợ để các nhà sản xuất giống, địa phương tổ chức khảo nghiệm giống thuận lợi.
Các giống lúa VNR20, TBR 97 có nhiều ưu điểm
● Công ty CP Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, UBND xã Cát Minh vừa tổ chức tổng kết mô hình sản xuất khảo nghiệm giống lúa VNR20 tại thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh.
Mô hình được triển khai thực hiện trên 37 ha với hơn 200 nông hộ tham gia, sử dụng giống lúa VNR20. Đây là giống lúa thuần do Công ty CP tập đoàn giống cây trồng Việt Nam chọn tạo, có khả năng kháng bệnh đạo ôn, cứng cây, đẻ nhánh khỏe, tập trung, hạt thon dài, cho cơm mềm, thơm, cho phép sạ thưa 4 - 5 kg giống/sào 500 m2 , thời gian sinh trưởng trung bình từ 105 - 110 ngày. Thực tế sản xuất cho thấy cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh, trổ đều, tập trung, năng suất khoảng 100 tạ/ha.
Theo nhiều nông dân, chân đất thực hiện mô hình là chân đất phèn, nghèo dinh dưỡng, nếu được sản xuất ở những chân đất tốt hơn thì năng suất còn cao hơn nhiều.
● Công ty TNHH ThaiBinh Seed, Chi nhánh miền Trung - Tây nguyên phối hợp với HTXNN Bình Hòa, huyện Tây Sơn vừa tổ chức đánh giá kết quả thực hiện mô hình trình diễn giống lúa mới TBR97 trong vụ Đông Xuân 2021 - 2022.
Mô hình trình diễn rộng 0,5 ha/4 nông hộ tham gia. Thực tế sản xuất cho thấy, giống lúa TBR97 có nhiều ưu điểm so với các giống đối chứng về năng suất cũng như khả năng thích ứng thời tiết, khí hậu địa phương; kháng bệnh đạo ôn và rầy nâu khá tốt, cứng cây, đẻ nhánh khỏe, trổ bông tập trung, tỷ lệ hạt chắc cao, năng suất ước đạt từ 80 - 85 tạ/ha, cao hơn từ 3 - 5 tạ/ha so với ruộng đối chứng trên cùng chân đất. Đặc biệt, giống lúa mới TBR97 cho hạt gạo dài, trong, cơm trắng, bóng, mềm, đậm vị.
TRƯỜNG GIANG - VĂN PHONG
THU DỊU