Phù điêu nữ thần Kubera Yakshini
Phù điêu nữ thần Kubera Yakshini (còn gọi là thần tài lộc) hiện được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh (ảnh) được phát hiện trong quá trình khai quật khảo cổ học tại di tích thành Cha - một tòa thành cổ, còn có tên là Phật Thệ, của vương triều Vijaya - nay thuộc địa phận xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn).
Phù điêu được chế tác bằng đá sa thạch cứng cao 36 cm, dày 22 cm, rộng 47 cm, ở dạng bán thân, lưng tựa vào bể đá hình chữ U ngược. Tuy phù điêu đặc tả khuôn mặt nữ thần đã bị vỡ từ phần trán đến đỉnh đầu, nhưng với phần còn lại vẫn có thể nhận ra khuôn mặt vuông vức, cặp má bầu tròn; sống mũi cao, hai cánh mũi to; miệng được tạo dáng đang mỉm cười; đôi tai đeo hai vành khuyên tai hình đĩa. Bờ vai nữ thần tròn trịa, cổ đeo vòng kiềng; bộ ngực căng tròn. Phía sau đầu nữ thần có vầng hào quang với nhiều tia sáng sau gáy tỏa ra.
Dựa theo nội dung và phong cách điêu khắc, các nhà nghiên cứu đã xác định phù điêu nữ thần Kubera Yakshini có niên đại khoảng từ thế kỷ IX - X, bởi có những yếu tố phong cách Đồng Dương cuối thế kỷ IX. Ngoài ra, phù điêu thể hiện khuôn mặt vuông vức, mũi bè, cằm lớn, nhưng lại có nụ cười tươi nhẹ là một đặc trưng của phong cách Mỹ Sơn A1 vào đầu thế kỷ X.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc phát hiện phù điêu nữ thần Kubera Yakshini, cùng nhiều hiện vật khác, như đầu ngói ống, kiến trúc hình chữ nhật, hố thiêng… trong khu di tích thành Cha, càng thêm cứ liệu cho thấy có thể đã tồn tại kiến trúc đền thờ trước khi thành Cha được xây dựng trở thành kinh đô của vương triều Vijaya tại đây.
ĐOAN NGỌC