Các thư tịch quý liên quan Cống quận công Trần Ðức Hòa: Phát huy giá trị, vinh danh tiền nhân
Giữa tháng 3.2022, gia tộc Trần Ðức ở khu phố Tài Lương 3, phường Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn phối hợp với UBND TX Hoài Nhơn bàn giao các thư tịch cổ liên quan đến Cống quận công Trần Ðức Hòa cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia II để bảo quản, phát huy hơn nữa giá trị di sản Hán Nôm quý hiếm này.
Bản gốc các đạo sắc phong gia tộc Trần Đức bàn giao cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia II bảo quản. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo ông Trần Đức Nghị, trưởng gia tộc, hậu duệ đời thứ 12 của gia tộc Trần Đức, có tất cả 10 đạo sắc phong, chỉ dụ liên quan Cống quận công Trần Đức Hòa và một tông đồ họ Trần Đức được dòng họ ông gìn giữ đến nay đã hơn 450 năm. Trong số này, có 7 đạo sắc phong của vua Lê, chúa Nguyễn, 2 đạo chỉ thị, sắc phong thần của chúa Nguyễn và một văn kiện cấp bằng của Bộ Lại triều Lê. Trong đó, có đạo sắc cổ nhất ban hành năm Chánh Trị thứ 7 (1564) - thời vua Lê Anh Tông trị vì (1557-1573) sắc phong cho bà Nguyễn Thị Ngọc là vợ của Dương Đàm hầu Trần Ngọc Phân (cha của ông Trần Đức Hòa) làm Dương Đàm chánh phu nhân. Ngoài ra, còn có một tông đồ họ Trần Đức do ông Trần Đức Kỳ lập năm Minh Mạng thứ 5 (1825).
Ông Nghị kể: Trước kia, mỗi năm cứ đến ngày giỗ tổ, con cháu dòng họ Trần Đức tề tựu về nhà tôi lại có dịp chiêm ngưỡng các sắc phong này - được ví như gia bảo của dòng họ, song không ai biết nội dung trong đó viết gì vì không biết chữ Hán. Đến năm 1993, nhờ có ông Lộc Xuyên Đặng Quý Địch, ở phường Bồng Sơn, TX Hoài Nhơn - một người thông thạo chữ Hán - dịch giùm nội dung thì chúng tôi mới biết 10 sắc phong này do vua Lê, chúa Nguyễn phong chức tước cho ông bà dòng họ Trần Đức chúng tôi, đặc biệt là cụ Trần Đức Hòa.
“Cống quận công Trần Đức Hòa là niềm tự hào của bà con gia tộc Trần Đức, của quê hương Hoài Nhơn nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung. Để giáo dục cho thế hệ trẻ, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hoạt động, mục việc để vinh danh Ngài trên quê hương, đồng thời sẽ tôn tạo các di tích liên quan để phục vụ du khách gần xa”.
Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Trần Hữu Thảo
Tự hào về tổ tiên, nguồn cội của mình, nhất là cụ thủy tổ Cống quận công Trần Đức Hòa - người gắn với sự nghiệp mở mang bờ cõi ở Đàng Trong và góp công rất lớn với sự hình thành của chữ Quốc ngữ, ông Trần Đức Minh, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định - hậu duệ đời thứ 12 của gia tộc Trần Đức, chia sẻ: Việc gia tộc Trần Đức chúng tôi bàn giao các thư tịch cổ cho cơ quan chuyên môn, cũng như trước đó đã hiến tặng 1.800 m2 đất và công trình kiến trúc trên đất tại Khu tưởng niệm Cống quận công Trần Đức Hòa của gia tộc nhằm để Nhà nước đầu tư, tôn tạo phát huy hơn nữa những giá trị lịch sử, văn hóa của đất nước.
Đối với TX Hoài Nhơn, sau khi tiếp nhận khu tưởng niệm Cống quận công Trần Đức Hòa do gia tộc Trần Đức hiến tặng, địa phương sẽ có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hình thành điểm đến giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, góp phần phát triển du lịch gắn quần thể di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn TX Hoài Nhơn. Ông Trần Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, cho biết: UBND thị xã cũng sẽ đầu tư để xây dựng thêm Đền thờ Cống quận công Trần Đức Hòa, tôn tạo khuôn viên tại khu tưởng niệm của Ngài do gia tộc Trần Đức hiến tặng. Ngoài ra, chúng tôi cũng có kế hoạch làm thêm các phiên bản thư tịch cổ Hán Nôm liên quan đến Cống quận công Trần Đức Hòa và dịch ra phiên âm, ý nghĩa bằng chữ Quốc ngữ để phục vụ du khách đến tham quan hiểu rõ hơn về thân thế, sự nghiệp của Ngài khi đến tham quan khu di tích sẽ hình thành sau này”.
Để những thư tịch cổ liên quan Cống quận công Trần Đức Hòa phát huy giá trị hơn nữa, gia tộc Trần Đức đã bàn giao cho cơ quan chuyên môn là Trung tâm Lưu trữ quốc gia II tại TP Hồ Chí Minh (thuộc Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước) để bảo quản, giữ gìn. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, cho biết: 10 đạo sắc phong này không những là báu vật của dòng họ Trần Đức, mà còn là những tư liệu rất quý hiếm của đất nước ta. Trải qua thời gian, những văn kiện Hán Nôm này phần nào bị hư hỏng, rách góc, mất chữ, nên phải được bảo quản đúng kỹ thuật càng sớm càng tốt. Chúng tôi sẽ nỗ lực giữ gìn tốt nhất; đồng thời giới thiệu đến với công chúng để phát huy giá trị những thư tịch quý này.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN