Miệt mài giữ nghề truyền thống
Về làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận (huyện Vân Canh), mọi người trong làng đều nhắc tới bà Đinh Thị Lơn (62 tuổi), là người lớn tuổi nhất ở làng gắn bó với nghề truyền thống dệt thổ cẩm.
Bà Lơn tâm sự: Từ rất lâu, người phụ nữ Bana trong làng đã biết dệt vải và tự tay dệt ra những bộ váy, áo nam, nữ, khăn quấn cổ, khăn đội đầu, túi đựng trầu cau, túi xách… Bà ngoại và mẹ là người chỉ dạy nghề dệt thổ cẩm khi tôi 17 tuổi. Từ sự truyền dạy của bà và mẹ, tôi đã tự tay đan, dệt hoàn chỉnh từng chiếc áo, chiếc chăn, váy, khăn, khố…
Bà Lơn với bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: H. PHÚC
Cầm trên tay bộ áo, váy thổ cẩm do mình tự dệt nên, bà Lơn tự hào khoe: “Trước giờ tôi bán được nhiều chiếc váy như vậy lắm. Nhờ gắn bó với nghề mà cuộc sống của tôi cũng khấm khá hơn trước nhiều. Vào các dịp lễ, Tết, hội thi, hội diễn được thấy các chàng trai, cô gái trẻ xúng xính trong bộ đồ thổ cẩm, đeo vòng bạc điệu đà, uyển chuyển trong vòng xoang Bana là tôi ưng cái bụng lắm!”.
Điều dễ nhận thấy trên từng tấm vải thổ cẩm của người Bana ở làng Hà Văn Trên là các gam màu xanh, đỏ, đen, cam, trắng với họa tiết, hoa văn ngày một tinh xảo, thể hiện nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng, lối sống của dân tộc Bana. Hiện, ở làng có khoảng 100 người gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Sản phẩm làm ra không chỉ tiêu thụ ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong xã, trong huyện mà còn được nhiều khách du lịch trong tỉnh, trong nước đặt mua.
“Cứ 10 ngày, nửa tháng là tôi dệt được một bộ váy áo nam, nữ, bán được từ 1,5 - 2 triệu đồng, có thêm thu nhập để lo cho cuộc sống của mình, không phải nhờ vả đến con cháu”, bà Lơn chia sẻ.
Mấy năm trước, nghề dệt thổ cẩm ở làng Hà Văn Trên có nguy cơ bị mai một, sản phẩm làm ra bị tồn đọng do không có đầu ra nhưng bà Lơn vẫn luôn yêu quý, gìn giữ nghề với niềm đam mê cháy bỏng. Cứ lúc nào rảnh là bà lại ngồi vào khung dệt vải rồi lại thêu thùa để tạo ra những sản phẩm ưng ý nhất. Gần đây, khách mua hàng nhiều nên bà càng thêm hăng say dệt, thêu; có tháng bà bán được đến 3 bộ váy áo, thu nhập trên dưới 6 triệu đồng. Không những đam mê với nghề, bà rất nhiệt tình truyền nghề cho thế hệ trẻ trong làng.
Điều đáng mừng là từ khi nghề dệt vải thổ cẩm ở làng Hà Văn Trên được khôi phục, đồng bào DTTS trong làng nói riêng và huyện Vân Canh nói chung đã ý thức hơn trong việc sử dụng trang phục truyền thống của mình ở các dịp lễ, hội. Mới đây, UBND huyện Vân Canh đã tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận nhãn hiệu tập thể “Vải dệt thổ cẩm làng Hà Văn Trên”. Đây là cơ hội để bà Lơn và chị em trong làng tiếp tục gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của dân tộc mình.
HẠNH PHÚC