Tổ chức bộ máy ngành DS-KHHGĐ:
Cần một mô hình ổn định
Không thể tham mưu trực tiếp, khó huy động các nguồn lực, công tác chỉ đạo chuyên môn gặp khó khăn… những bất cập này đã bộc lộ từ khi áp dụng mô hình Trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ và cán bộ chuyên trách DS không do Trung tâm DS-KHHGĐ quản lý toàn diện.
Mô hình quản lý nói trên được áp dụng từ năm 2008 khi giải thể Ủy ban DS, Gia đình và Trẻ em và sáp nhập bộ phận DS-KHHGĐ vào Bộ Y tế. Đến thời điểm này, chỉ còn 48 tỉnh, thành phố duy trì mô hình này (trong đó có Bình Định), số còn lại tìm cách làm riêng.
Theo mô hình đang được triển khai, công tác tham mưu cho UBND huyện về quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về DS-KHHGĐ trên địa bàn theo quy định phải qua Phòng Y tế. Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã An Nhơn Nguyễn Văn Chánh, cán bộ phòng Y tế chưa am hiểu hết nghiệp vụ về DS-KHHGĐ nên không thể quán xuyến mà đành “khoán” công việc cho Trung tâm DS-KHHGĐ.
Ông Chánh phân tích thêm, trên thực tế hoạt động lâu nay, tất cả những nội dung văn bản tham mưu để UBND thị xã quản lý chỉ đạo trên lĩnh vực DS-KHHGĐ đều phải do Trung tâm DS-KHHGĐ soạn thảo và trình ký. Đơn vị không thuộc UBND nên việc giải quyết các mối quan hệ giữa Trung tâm DS-KHHGĐ với các ban, ngành, đoàn thể cũng như UBND các xã, phường cũng gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, việc huy động nguồn lực, nhất là kinh phí hỗ trợ đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ từ nguồn ngân sách không thể đảm bảo.
Tương tự đối với cấp xã, khi cán bộ DS được chuyển về làm viên chức của trạm y tế thì công tác tham mưu chỉ đạo của UBND xã đối với DS-KHHGĐ cũng rơi vào “được chăng hay chớ”. Công tác phối kết hợp các ban, ngành, đoàn thể để tổ chức triển khai các hoạt động lại càng khó khăn.
Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Tây Sơn Nguyễn Công Bằng cho biết: “Việc tham mưu tổ chức, thực hiện công tác DS-KHHGĐ tại địa phương phải thông qua trưởng trạm y tế nên phần nào hạn chế. Chưa kể, trưởng trạm còn rất nhiều việc phải giải quyết, khó mà đòi hỏi sự toàn tâm”.
Năm 2008, khi nhập đội ngũ chuyên trách DS tuyến xã vào trạm y tế, huyện Tây Sơn phải tuyển mới 10 cán bộ, 5 cán bộ được giữ lại để đào tạo. Những trạm có chuyên trách đi học phải cử người khác kiêm nhiệm công tác DS-KHHGĐ. Tuy nhiên, đến giờ một số trạm như Bình Thuận, Bình Hòa công tác này vẫn chưa có người làm thay.
“Ngoài công việc chuyên môn, chúng tôi còn được phân công thêm các công việc khác của trạm, thậm chí “được” phân công trực ngoài giờ trong khi không có chuyên môn về y tế. Chưa nói đến việc huy động các ban, ngành của địa phương, ngay cả quản lý cộng tác viên DS cũng gặp nhiều khó khăn”, một cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã tâm tư.
Đến thời điểm này, đã có 15 tỉnh, thành trong cả nước tự tìm lối đi riêng là tổ chức mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện và cán bộ DS-KHHGĐ là viên chức của Trung tâm DS-KHHGĐ, làm việc tại xã. Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nguyễn Văn Quang chia sẻ: “Nhiều ý kiến phản ảnh mô hình đang được áp dụng là chưa phù hợp, cần điều chỉnh. Hiện có nhiều mô hình khác nhau, mô hình nào có tính ưu việt nhất, có lợi nhất cho công tác DS-KHHGĐ thì cần thống nhất thực hiện trên toàn quốc”.
Cuối tháng 5.2014, Bộ Y tế đã giao Viện Chiến lược và Chính sách (Bộ Y tế) tiến hành thăm dò ý kiến lãnh đạo UBND và các ngành liên quan của tỉnh, huyện về mô hình tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ cấp huyện, xã. Ngày 4.6, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã nhất trí ở cấp Trung ương giữ nguyên mô hình Tổng cục DS-KHHGĐ trực thuộc Bộ Y tế như hiện nay; ở cấp tỉnh, trong thời gian tới vẫn giữ nguyên mô hình Chi cục DS-KHHGĐ trực thuộc Sở Y tế. Riêng cấp huyện và xã, căn cứ vào kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế đồng ý với mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện; cán bộ DS-KHHGĐ xã là viên chức của Trung tâm DS-KHHGĐ, làm việc tại xã.
Công tác DS-KHHGĐ hiện nay khác nhiều so với những giai đoạn trước, yêu cầu cao, nhưng nguồn lực từ năng lực đội ngũ DS cho đến tài chính đều hạn chế. Mục tiêu giảm sinh chúng ta phải mất 60 năm mới thành công. Việc nâng cao chất lượng DS về thể chất, thay đổi cơ cấu DS phù hợp với phát triển lại càng mất nhiều thời gian hơn. Ông Quang cho rằng, mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện có ưu điểm nhận được sự chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy, HĐND, UBND; thuận lợi hơn trong phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và huy động kinh phí. Mặt khác, các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ cũng dễ dàng lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Bằng nhấn mạnh, thuận lợi nhất của việc đưa chuyên trách DS-KHHGĐ làm viên chức của Trung tâm DS-KHHGĐ, làm việc tại xã là được trực tiếp tham mưu công việc với lãnh đạo UBND, dành được thời gian và thực hiện đúng chức trách của viên chức DS. Bên cạnh đó, Trung tâm DS-KHHGĐ trực tiếp hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ; có điều kiện tuyển dụng người tâm huyết, có năng lực, ở địa phương và phục vụ địa phương.
MAI HOÀNG
Làm sao để sớm ổn định bộ máy làm Dân số ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi trong nhiều mặt để hoạt động tốt hơn và hiệu quả hơn