Ngược dòng ký ức, người yêu nhạc tưởng nhớ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn
Với nhiều người, âm nhạc của Trịnh Công Sơn là “liều thuốc cho tâm hồn,” những ca từ mà ông viết ra muôn đời sau vẫn là triết lý để mọi người chiêm nghiệm.
Tượng nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cao 2,4m bên bờ biển Quy Nhơn. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)
Vậy là đã 21 năm ngày nhạc sỹ Trịnh Công Sơn rời cõi tạm (1.4.2001-1.4.2022), những người yêu âm nhạc của ông có lẽ vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ. Cứ đến dịp này, những “Trịnh khách” lại hành hương về với “cõi Trịnh” thông qua những bản nhạc về tình yêu, quê hương và thân phận con người.
'Liều thuốc cho tâm hồn'
Ca sỹ Diệu Thúy mê nhạc Trịnh từ khi còn là một cô bé 9 tuổi, được nghe những ca khúc từ chiếc cassette nhà hàng xóm. Tình yêu với âm nhạc cứ ngấm dần để rồi khi trưởng thành, lựa chọn con đường ca hát, chị luôn gắn bó với các ca khúc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.
Chưa hề gặp gỡ nhưng giữa chị với nhạc sỹ tài hoa có một sự gắn kết tâm linh nào đó khiến chị yêu nhạc của ông say đắm và thẩm thấu triết lý trong ca từ của ông đến tận cùng.
“Thời điểm nhạc sỹ ra Hà Nội, tôi đã nhiều lần muốn đến thăm ông nhưng rồi vì lý do này khác mà không có duyên gặp mặt. Ngày 1.4.2001, nghe tin ông mất mà tôi đổ sụp xuống, không tin, vì cho rằng đó chỉ là một lời nói dối ác ý trong ngày Cá tháng Tư”, chị nhớ lại.
Ca sỹ Diệu Thúy biểu diễn trong liveshow cá nhân 'Gọi tên bốn mùa' diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội năm 2019. (Ảnh: NVCC)
Khi biết chắc đó là sự thật, chị ốm đúng 1 tuần mà không hiểu vì sao. Thông tin nhạc sỹ tài hoa ra đi “quật ngã” chị nhưng rồi cũng chính âm nhạc của ông cứu rỗi chị.
Diệu Thúy là một người phụ nữ truân chuyên cả về đời và nghề, có những nỗi niềm chị không muốn chia sẻ. Vì vậy, mà chị tìm đến âm nhạc của Trịnh Công Sơn để tự mình đi đến tận cùng nỗi buồn. Như chị nói, khi nhìn thấu đau khổ của bản thân mình thì mọi chuyện sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
“Mỗi thời kỳ tôi lại chiêm nghiệm âm nhạc của ông theo một cách khác nhau. Có những ca từ, triết lý nghe mãi, hát mãi rồi sau mới hiểu, cũng có những bài ở thời điểm 20 tuổi tôi hiểu một kiểu, năm 40 tuổi lại hiểu theo cách khác,” chị tâm sự.
Chị cho rằng nhạc sỹ Trịnh Công Sơn sâu sắc, nhân hậu và rất biết đồng cảm với người khác, khiến ai cũng có thể tìm thấy một phần của mình trong âm nhạc của ông.
Lấy một ví dụ về điều này, chị nhắc đến bài “Ru em”: “Ru em quỳ gối vong nô/
Ru em, ru em vì dáng kiêu sa” – có lúc nhạc sỹ ca ngợi vẻ đẹp người thiếu nữ như một nữ thần và tôn thờ vẻ đẹp ấy nhưng khi trở thành một người phụ nữ với trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, “nàng thơ” ấy không còn giữ được hình ảnh kiêu sa nữa: “Ru em bồng bế con theo/ Ru em, ru em gầy yếu hư hao”.
“Phải có tình yêu thương, sự thông cảm và lòng trắc ẩn thì nhạc sỹ mới có thể viết những câu như vậy,” chị nhận định.
Kỷ niệm ngày mất nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, nhiều sự kiện âm nhạc sẽ diễn ra.
Nhà báo Mỹ Hạnh, người dẫn chuyện trong rất nhiều đêm nhạc Trịnh khẳng định âm nhạc của ông là “liều thuốc cho tâm hồn,” những ca từ mà ông viết ra muôn đời sau vẫn là triết lý để mọi người chiêm nghiệm.
Nhà báo Mỹ Hạnh từng cùng danh ca Khánh Ly đến viếng mộ nhạc sỹ, đến Gác Trịnh ở Huế nơi ông viết “Mưa hồng”, “Diễm xưa”, mỗi lần tìm hiểu về cuộc đời nhạc sỹ, chị càng hiểu thêm ẩn ý trong những ca từ của ông và đúc kết kinh nghiệm sống cho mình.
“Tôi tâm niệm rằng “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ,’ ‘em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh’… Mọi người hãy cứ hồn nhiên, đừng toan tính với nhau thì sẽ tìm thấy sự thanh thản, bình yên,” chị chia sẻ.
Nhà báo Mỹ Hạnh cũng tâm đắc với câu nói của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường rằng âm nhạc của Trịnh Công Sơn là “bài kinh cầu bên bờ vực thẳm” nghĩa là một sự cứu rỗi tâm hồn khi người ta rơi vào bế tắc.
Sống trong cuộc đời này, ai cũng có những nỗi buồn khó có thể nói ra được rõ ràng nhưng nghe nhạc Trịnh, chúng ta nhen lên cho mình một niềm hy vọng để đi tiếp, vì biết đâu ở cuối khu rừng tối kia sẽ là ánh sáng rực rỡ của một vườn hoa đang chờ đợi chúng ta bước tới.
Vang mãi Trịnh ca
Nhạc Trịnh thường vang lên trong một không gian hoài niệm, cùng âm thanh từ những nhạc cụ acoustic mộc mạc. Chất triết lý trong âm nhạc của ông khiến nhiều người lo lắng rằng liệu giới trẻ có yêu thích, có cảm thụ được không, nếu không có những nghệ sỹ “khoác áo mới” cho nhạc Trịnh.
Ca sỹ Lê Tâm tại phòng trà Trịnh Ca. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Trước suy nghĩ đó, ca sỹ Lê Tâm, chủ nhân phòng trà Trịnh Ca, sân chơi của những người yêu nhạc Trịnh đã tồn tại 15 năm ở Hà Nội khẳng định: “Nhạc sỹ đã ra đi cách đây 21 năm nhưng người yêu nhạc Việt chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ ông. Tình yêu dành cho cuộc đời và âm nhạc của ông vẫn theo những giai điệu và ca từ đi sâu vào lòng công chúng, trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống”.
Ca sỹ Lê Tâm cho hay những đêm nhạc tại phòng trà luôn có mặt các bạn trẻ ở lứa tuổi học sinh, sinh viên. Anh cho rằng có 2 cơ sở để tự tin rằng nhạc Trịnh sẽ sống mãi.
“Thứ nhất, chúng tôi đã nghe ‘Cát bụi’, ‘Ngẫu nhiên’… từ rất sớm, điều đó có nghĩa là sẽ có những bạn trẻ ở độ tuổi chúng tôi khi xưa mê nhạc Trịnh. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước. Thứ hai, các nghệ sỹ trẻ luôn có cách sáng tạo, làm mới nhạc Trịnh để tô thêm màu sắc trẻ trung, phù hợp với thời đại”, anh chia sẻ.
Nhà thơ Anh Ngọc viếng mộ nhạc sỹ năm 2010. (Ảnh: FBNV)
Cùng chung quan điểm, nhà thơ Anh Ngọc cho biết ông từng gặp những người yêu nhạc Trịnh vô điều kiện, trong đó có những người ở tuổi con cháu mình.
Ông cho rằng thái độ đối với nhạc Trịnh vừa có phần phụ thuộc vào lứa tuổi và trải nghiệm cuộc sống, nhưng phần còn quan trọng hơn, là sự đồng điệu tâm hồn. Khi đã có cùng “điệu tâm hồn” thì bất kể tuổi tác, hoàn cảnh sống, người ta dễ dàng đến với nhau.
“Tôi đôi lúc kinh ngạc vì sự hiểu thấu và khả năng bày tỏ rất tài giỏi của các bạn trẻ về thế giới không hề dễ hiểu của Trịnh. Nếu như họ chưa đủ sự từng trải, thì bù vào đó, họ có sự thành thật và sức tự giải phóng rất cao, họ có thể bày tỏ mà không cần e ngại hay che đậy một điều gì trong tình yêu của mình”, ông nói.
Hai năm qua, các hoạt động tưởng nhớ ông trong ngày 1.4 bị ảnh hưởng ít nhiều bởi dịch Covid-19, nên năm nay lễ kỷ niệm dường như được chú trọng hơn.
Một trong những chương trình được chờ đợi nhất là đêm nhạc “21 năm nhớ Trịnh Công Sơn” do gia đình nhạc sỹ kết hợp cùng đoàn phim “Em và Trịnh” tổ chức lúc 16 giờ 30 phút ngày 1.4. Chương trình được tổ chức tại Đường sách TP Hồ Chí Minh với sự góp giọng của các ca sỹ Đức Tuấn, Hiền Thục, Tấn Sơn, Duyên Quỳnh, Hà Vi. Khán giả có thể xem trực tiếp tại fanpage Em và Trịnh.
Tại Hà Nội, phòng trà Trịnh Ca tổ chức chuỗi 4 đêm nhạc tưởng nhớ ông từ ngày 31.3 đến 3.4, với sự tham gia của nhiều giọng ca như Lê Tâm, Bích Ngọc, Diệu Thúy, nghệ sỹ ưu tú Minh Thu, Trịnh Trí Anh… Các đêm nhạc cũng được livestream trên fanpage.
Theo Minh Thu (Vietnam+)