Thi hành án dân sự cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng:
Kê biên nhiều, thi hành được bao nhiêu?
Theo Cục thi hành án dân sự (THADS) tỉnh, đến nay các vụ việc liên quan đến ngân hàng, tín dụng có giá trị lớn đều đã được kê biên, xử lý tài sản. Tuy nhiên, số tiền thu được quá ít.
Kê biên nhiều, bán chẳng được bao nhiêu
Tính đến ngày 31.8.2013, các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh còn phải thụ lý, giải quyết 78 việc với tổng số giá trị thi hành trên 453 tỉ đồng, nhưng số tiền thu được chỉ gần 47 tỉ đồng. Và tính lũy kế đến hết tháng 3.2014, tổng số việc được các cơ quan chức năng thụ lý giải quyết đã lên đến 118 việc với tổng giá trị thi hành trên 507 tỉ đồng, song đến nay cũng mới chỉ thu trên 21,8 tỉ đồng, đạt 4,3%.
Hầu hết các vụ việc liên quan đến ngân hàng, tổ chức tín dụng đều có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, tại buổi làm việc với Ban Pháp chế HĐND tỉnh vào ngày 2.6 khảo sát về tình hình THADS, lãnh đạo của Cơ quan THADS tỉnh cho hay, trong quá trình xử lý tài sản còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, như hồ sơ tài sản thế chấp không phù hợp với hiện trạng; người phải THA, người có tài sản thế chấp không hợp tác. Nhiều trường hợp tài sản là dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị, nhà xưởng hoặc nhà đất tại khu vực nông thôn, không bán được. Ngoài các lý do trên, theo bà Võ Thị Thanh Mai, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh, trong nhiều trường hợp khác, kết quả thẩm định giá tài sản thế chấp cao hơn so với giá trị thị trường và nhu cầu nên khi THA phải giảm giá bán nhiều lần mà vẫn không bán được.
Từ đây, vấn đề thẩm định giá tài sản thế chấp cao hơn giá thị trường để cho vay được Ban Pháp chế HĐND nêu ra. Bà Nguyễn Thị Đàng, thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh, phản ánh có dư luận về việc “đi đêm” giữa cán bộ tín dụng với doanh nghiệp để nâng giá trị tài sản thế chấp. Trước đó, vào cuối tháng 4.2014, tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước tỉnh về công tác phòng chống tham nhũng, vấn đề này cũng được một số thành viên Đoàn giám sát HĐND tỉnh đặt ra.
Cần xử lý trách nhiệm
Ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh:
Đề nghị xử lý trách nhiệm
Kết quả khảo sát công tác THADS trên địa bàn tỉnh vừa qua cho thấy, việc THADS cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng rất khó khăn. Nguyên nhân là có những tài sản thế chấp không phù hợp với hiện trạng khi kê biên, hoặc giá trị tài sản theo hợp đồng cho vay cao nhưng thời điểm tiến hành định giá kê biên thì lại thấp, phải hạ giá bán nhiều lần mới thi hành án được. Ngoài ra, các thỏa thuận dân sự trong hợp đồng tín dụng có lúc, có trường hợp còn chưa chặt chẽ.
Lâu nay, việc tín chấp, thế chấp cho vay tùy thuộc vào mỗi ngân hàng và phụ thuộc vào các yếu tố như: doanh nghiệp có uy tín, thời điểm kinh koanh thuận lợi, giá trị tài sản vào thời điểm thế chấp cao...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thẩm định giá cho vay trong thời gian qua không phải là không có “vấn đề”. Một cán bộ ngành TAND, thành viên trong Đoàn giám sát HĐND cho hay, các tổ chức tín dụng là “bạn hàng” thường xuyên của tòa án khi lượng án tranh chấp về kinh doanh thương mại giữa cá nhân, tổ chức với ngân hàng ngày một nhiều (chủ yếu là đòi nợ vay). Cùng chung nhận định, một cán bộ CA là thành viên Đoàn giám sát, đơn cử trường hợp một công ty sản xuất bột nhang vay ngân hàng khoảng 20 tỉ đồng, nhưng khi điều tra thì tổng giá trị tài sản nhà xưởng chỉ độ 3-4 tỉ đồng. Hoặc, một công ty khác vay trên 100 tỉ đồng nhưng khi điều tra giá trị tài sản trên đất chỉ khoảng 5 tỉ đồng. Còn mới đây, khi đưa ra kê biên đấu giá tài sản thế chấp của một công ty, cơ quan chức năng lúng túng không biết xử lý ra sao với khoản nợ vay lên đến vài chục tỉ đồng thế chấp bằng một giấy phép khai thác khoáng sản, mà khi đưa ra kê biên tài sản thì giấy phép đã hết thời hạn khai thác (!).
Làm việc với Ban Pháp chế HĐND tỉnh, ông Nguyễn Hay, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh, nhận xét: “Một số vụ án tín dụng lẽ ra phải bị xử lý hình sự thì lại chuyển sang xử lý dân sự, đẩy cái khó về cho cơ quan THADS chúng tôi”. Việc này được một lãnh đạo một cơ quan tư pháp của tỉnh có lần giải thích nửa đùa nửa thật: Nếu tranh chấp kinh doanh thương mại mà chuyển sang xử lý hình sự thì sẽ phát hiện ra hoạt động cho vay “có vấn đề”, liên quan trách nhiệm của nhiều người. Vậy nên, cứ chuyển sang xử dân sự, đòi được nợ thì đòi, không đòi được thì thôi, tiền đâu phải của riêng một cá nhân nào (!).
NGUYỄN SƠN