Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành: Khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai
(BĐ) - Sáng 1.4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đã chủ trì cuộc họp với các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung vừa chịu thiệt hại trong đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh dự và chủ trì tại đầu cầu Bình Định.
Trong 2 ngày (30 và 31.3), tại một số tỉnh, thành khu vực miền Trung có mưa to cùng lốc xoáy, gây thiệt hại lớn. Đã có 1 người chết, 1 người mất tích, 4 người bị thương; hàng trăm tàu thuyền bị chìm, hàng nghìn lồng bè thủy sản bị sóng đánh hư hỏng, hàng chục nghìn hecta lúa và hoa màu bị gãy đổ…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, từ trước tới nay tại tỉnh Bình Định chưa xảy ra tình trạng mưa to trên diện rộng, gió lớn kèm theo lốc xoáy. Vì vậy, mặc dù tỉnh đã có văn bản chỉ đạo cảnh báo bà con chủ động kịp thời ứng phó với diễn biến thời tiết, nhưng ảnh hưởng vẫn rất lớn. Mưa bão khiến 55 phương tiện đánh bắt thủy hải sản ven biển của 53 hộ dân bị sóng đánh chìm. Khu vực này, trước đây bà con neo đậu tàu thuyền, có những năm bão rất lớn nhưng cũng chưa xảy tình trạng như thế này. Năm nay, gió chỉ cấp 7 - 8 nhưng có lốc xoáy nên đánh chìm nhiều ghe, thuyền của bà con.
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc báo cáo tình hình thiệt hại sau đợt thiên tai vừa qua. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Lượng mưa lớn còn làm nhiều hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đầy nước, có nhiều hồ lượng nước đạt 90 - 95%. Tỉnh đã chỉ đạo vận hành, điều tiết nước cơ bản đáp ứng tình hình, không ảnh hưởng đến hồ đập. Tuy nhiên, hàng nghìn ha lúa chuẩn bị thu hoạch bị ngập, ngã đổ và 300 ha hoa màu bị ảnh hưởng; số lượng lồng bè bị hư hỏng đang kiểm kê nhưng hư hại cũng rất lớn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh (thứ 5 từ phải sang) trao tiền hỗ trợ cho các hộ có ghe, thuyền bị chìm tại xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn). Ảnh: HOÀNG QUÂN
Ngay sau khi nghe tin các tàu cá của ngư dân bị sóng biển đánh chìm, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp thị sát và chỉ đạo tăng cường biện pháp khắc phục, hỗ trợ người dân. Trong sáng 1.4, UBND TP Quy Nhơn đã trích ngân sách thành phố hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ có ghe thuyền bị chìm; lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo BĐBP tỉnh cùng UBND TP Quy Nhơn và các ngành liên quan ngay trong ngày 1.4 tìm cách trục vớt các tàu đắm. Tỉnh cũng đã quyết định hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/tàu công suất dưới 20 CV; 15 triệu đồng/tàu từ 20 - 50 CV bị chìm để bước đầu hỗ trợ bà con khắc phục thiệt hại.
Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Trần Quốc Bình đề xuất phương án trục vớt tàu thuyền tại xã Nhơn Lý. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao sự chủ động của lãnh đạo các địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác ứng phó, cảnh báo và hỗ trợ người dân trước và sau khi có hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra. Nhờ đó, nhìn chung thiệt hại đã được giảm thiểu, tuy nhiên một số nơi như Phú Yên, Bình Định vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Phó Thủ tướng cho rằng, tình hình thiên tai đang diễn biến không theo quy luật, nên cần phải cảnh giác, theo dõi chặt chẽ diễn biến, cảnh báo để chủ động phòng chống. Đồng chí Lê Văn Thành hoan nghênh sự hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo và các cơ quan liên quan tỉnh Bình Định cho ngư dân bị thiệt hại; đồng thời, yêu cầu các địa phương cần tiếp tục khẩn trương huy động các lực lượng triển khai kịp thời công tác hỗ trợ người dân ổn định đời sống và sản xuất. Bên cạnh đó, rà soát các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở để kịp thời lên kế hoạch di dời người dân; phân công lực lượng ứng trực tại các hồ chứa, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hồ đập.
Nguồn: BTV
• Ngay sau cuộc họp với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị các địa phương và các sở, ngành tiếp tục nâng cao cảnh giác, chủ động trong công tác phòng chống thiên tai. Đồng thời, tập trung công tác khắc phục hậu quả; giao Sở NN&PTNT nắm bắt tình hình thiệt hại ở các địa phương để báo cáo Ban chỉ đạo về phòng chống thiên tai và UBND tỉnh, đề xuất phương án hỗ trợ. Liên quan đến 55 phương tiện bị chìm, đề nghị UBND xã Nhơn Lý thống kê cụ thể để có phương án hỗ trợ. Ngay trong chiều 1.4, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, các cơ quan như BĐBP tỉnh, Sở NN&PTNT… cùng UBND xã Nhơn Lý phải họp bàn phương án, huy động lực lượng tiến hành trục vớt, đánh giá thiệt hại. Về lâu dài, cần phải nghiên cứu, đánh giá, lấy ý kiến của các chuyên gia về lĩnh vực thời tiết để đề xuất cho tỉnh các giải pháp phù hợp, nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra. Các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, đảm bảo an toàn cho các hồ chứa, cảnh báo nguy cơ sạt lở núi khi có mưa lớn xảy ra.
HOÀNG QUÂN