Phiên tòa trực tuyến: Bước đột phá của ngành tòa án
Ngành tòa án đã và đang thực hiện xét xử trực tuyến nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử, đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tư pháp cũng như phù hợp với tình hình thực tế.
Theo Chánh án TAND tỉnh Lê Văn Thường, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động xét xử là vấn đề cấp bách đặt ra sau khi Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến ra đời; cùng với đó là yêu cầu về cải cách tư pháp và những khó khăn trong tổ chức các phiên tòa trực tiếp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tổ chức phiên tòa trực tuyến là xu hướng tất yếu của ngành tòa án.
Quang cảnh phiên tòa trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại phòng xét xử TAND tỉnh. Ảnh: K.A
“Để thực hiện tốt phiên tòa trực tuyến, TAND tỉnh đã chủ động làm việc với các ngành để đảm bảo các điều kiện cần thiết, nhất là về kỹ thuật thực hiện phiên tòa độc lập, công khai, bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật và trật tự tôn nghiêm. Chúng tôi đã tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm một số nơi trong và ngoài nước đã thực hiện xét xử trực tuyến, áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh”, ông Thường cho biết.
Theo Nghị quyết 33/2021/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022: Hình thức xét xử trực tuyến không áp dụng cho các vụ án liên quan bí mật Nhà nước; nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia; nhóm tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Nghị quyết sẽ góp phần bảo đảm tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời; tạo cơ chế thuận lợi để bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa; góp phần nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của tòa án, bảo đảm từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử.
Cụ thể, phiên tòa xét xử bị cáo Lê Minh Hiếu (SN 2000, ở huyện Phù Mỹ, phạm tội trộm cắp tài sản) là phiên tòa trực tuyến đầu tiên do TAND tỉnh tổ chức, được bố trí đầy đủ các thiết bị kỹ thuật xét xử trực tuyến tại 2 điểm cầu trung tâm (TAND tỉnh) và điểm cầu thành phần (Trại tạm giam CA tỉnh).
Theo đó, tại điểm cầu thành phần Trại tạm giam CA tỉnh, một căn phòng đặc biệt được chỉnh trang và lắp đặt các hệ thống nghe, nhìn, thu, phát tín hiệu đến điểm cầu trung tâm. Trong căn phòng này, ngoài bị cáo còn có lực lượng liên quan để làm nhiệm vụ giữ trật tự phiên tòa cũng như đảm bảo phiên tòa trực tuyến không bị gián đoạn.
Theo một cán bộ Đội Cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp (CA tỉnh), việc đảm bảo đường truyền thông suốt chính là yêu cầu cần thiết để phiên tòa diễn ra một cách thuận lợi, công khai và đúng quy định pháp luật. Vì vậy, Đội cũng thực hiện đúng các quy định hiện hành về an toàn thông tin, quy định về dữ liệu, thông tin cá nhân cũng như giữ trật tự phiên tòa... theo các quy định của pháp luật.
Trong khi đó, tại điểm cầu trung tâm, thành phần tham gia phiên tòa gồm Hội đồng xét xử và đại diện Viện KSND tỉnh cũng thực hiện quy trình xét xử đúng quy định pháp luật.
Xét xử trực tuyến là phương thức xét xử gồm một chuỗi quy trình và thiết bị thực hiện công tác xét xử, trong đó những người tham gia phiên tòa có thể giao tiếp với nhau qua mạng (không cần phải có mặt tại phòng xử án). Tại phiên tòa trực tuyến, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do Tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm.
Mọi hoạt động như xem xét chứng cứ, tài liệu, xét hỏi, tranh luận... đều được thực hiện trực tuyến qua thiết bị kết nối mạng với một máy chủ có lưu giữ sẵn toàn bộ tài liệu và phần mềm cần thiết để thực hiện công tác xét xử. Người tham gia xét xử trực tuyến có thể truyền tải hình ảnh và âm thanh qua đường truyền băng thông rộng hoặc kết nối không dây (Wifi), mạng nội bộ (LAN).
“Xét xử trực tuyến là giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay cũng như sau này, giúp thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành tòa án; mở rộng cơ hội tổ chức xét xử ở mọi nơi, mọi lúc, song vẫn đảm bảo đúng quy định pháp luật… Do đó, TAND 2 cấp của tỉnh sẽ tiếp tục lựa chọn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm những vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng”, ông Thường cho biết thêm.
KIỀU ANH