Nghệ thuật thị giác Bình Ðịnh: Một vựng tập với nhiều gợi mở
Trong chừng mươi năm gần đây, nếu không kể cuốn Mỹ thuật Bình Ðịnh 2012 - 2018 do Hội VHNT Bình Ðịnh tổ chức, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh ấn hành, thì có thể nói Nghệ thuật thị giác Bình Ðịnh (Visual Arts Binh Dinh) là vựng tập đầy đặn nhất.
Nếu Mỹ thuật Bình Định 2012 - 2018 chủ yếu ghi lại một chặng đường sáng tạo của các hội viên với 74 tác phẩm tranh, tượng được sáng tác trong giai đoạn từ năm 2012 - 2018, được dự treo, đạt giải thưởng tại các cuộc Triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên và triển lãm toàn quốc, thì vựng tập Nghệ thuật thị giác Bình Định lại giới thiệu 70 tác phẩm của 20 tác giả là người Bình Định hiện sinh sống, làm việc ở Bình Định và nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Vựng tập Nghệ thuật thị giác Bình Định.
Lướt qua có thể nhiều người sẽ thấy tiếc khi vựng tập vắng mặt nhiều tác giả như: Lâm Triết, Phạm Đình Khương, Lương Lu, Vũ Xuân Trường, Nguyễn Anh Hộ, Lê Duy Khanh, Lê Duy Hồng… nhưng phải nói ngay rằng, đúng như ông Phạm Huyền Kiêu - Chủ biên, Giám đốc Sáng tạo KVH Arts Journey - nhà tổ chức bản thảo vựng tập - viết: “tuy chưa thể tập hợp đầy đủ các gương mặt nghệ sĩ nhiều thế hệ của Bình Định, nhưng chắc chắn sẽ đem đến cho độc giả và bạn yêu nghệ thuật một không gian đầy cảm xúc về con người và tinh thần Bình Định”.
Bình Định là vùng đất tiếp biến, dung hòa nhiều nền văn hóa: Sa Huỳnh - Champa và Đại Việt, chính điều này đã tạo ra nét đặc sắc cho nghệ thuật. Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên: núi, sông, đầm, biển, rừng, đồng… từ môi trường quý giá đó ở Bình Định đã phát sinh ra nhiều nghệ thuật diễn xướng dân gian như tuồng, bài chòi và nhiều điệu hát, hò, đối đáp… Bắt rễ trên một vùng quê hương đặc sắc như thế mỹ thuật Bình Định có nội lực vững vàng để tỏa lan. Thật vậy trong một lời ngỏ cực kỳ ngắn gọn, cô đúc họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam viết: Mỹ thuật Bình Định đang mở tiếp một trang mới nữa sao vẫn còn ngập ngừng và để ngỏ ở khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên. Người ở lại tự tin và trưởng thành, thấp thoáng những con mắt mới…
Cầm vựng tập trên tay cảm nhận đầu tiên là nó mỏng - chỉ hơn 60 trang nội dung, nhưng ấn tượng đầu tiên là thấy nó đằm bởi lối trình bày trang nhã, sang trọng. Và với một vựng tập điểm phải nói ngay là chất lượng in rất cao. Vốn đã được tiếp xúc, được ngắm trực tiếp khá nhiều tác phẩm của các họa sĩ: Nguyễn Văn Cần, Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Chơn Hiền, Nguyễn Quốc Hùng, Lê Thị Tuấn, Phạm Thị Lan Hương… nên khi ngắm các tác phẩm minh họa trong vựng tập có thể thấy ngay mức độ tin cậy so với nguyên bản là rất tốt.
Một điểm nữa rất quý là nhờ vựng tập, người hâm mộ sẽ biết thêm một số nghệ sĩ Bình Định vốn ít được giới thiệu ở tỉnh nhà và tác phẩm điển hình của họ; cả những họa sĩ thuộc lớp trước và luôn với những họa sĩ thuộc thế hệ hôm nay. Ở thế hệ tiền bối có thể kể đến: Võ Thị Báu, Lê Đức Biết, Vũ Trung Lương, Hồ Thọ, Trần Tía, Huỳnh Thị Triết, Vương Trình… Ở thế hệ trẻ có thể kể đến: Phan Vũ Như Uyên, Phạm Trinh, Huỳnh Hiền, Lê Đức Phú Quang, Nguyễn Thành Tâm.
Trong gần 30 năm qua, ở Bình Định có khoảng 20 cuộc triển lãm mỹ thuật, đăng cai 3 cuộc triển lãm Mỹ thuật khu vực miền Trung - Tây nguyên, một số họa sĩ tổ chức được triển lãm cá nhân. Những sự kiện ấy góp phần làm phong phú đời sống tinh thần ở địa phương, đặc biệt là ở lĩnh vực nghệ thuật thị giác. Có thể nói đây là cố gắng rất lớn của Hội VHNT tỉnh, tuy nhiên với một vùng văn hóa bề thế như Bình Định như thế là rất ít. Hơn nữa nếu theo dõi thường xuyên đời sống mỹ thuật sẽ thấy ra một điểm, so với một số tỉnh thành tương đương hoạt động sáng tác của các nghệ sĩ Bình Định dường như trầm lắng hơn.
Vựng tập Nghệ thuật thị giác Bình Định là một ấn phẩm tốt. Và từ đây đã gợi mở ra nhiều vấn đề cho mỹ thuật Bình Định, ví dụ: Tới đây liệu ta có thể làm một vựng tập đầy đủ hơn không, coi như đó là một bộ “từ điển về mỹ thuật Bình Định”? Trước đây khi quyết định đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh, trong dự án có hạng mục không gian triển lãm, trưng bày. Dự án cũ gần như không có hạng mục này, nay với không gian mới liệu có thể sắp xếp cho mỹ thuật một khoảnh trời riêng không?
BÁ PHÙNG