“Khai tử” mũ bảo hiểm dỏm!
Việt Nam là quốc gia có mật độ giao thông bằng xe máy lớn nhất trên thế giới. Cùng với tỉ lệ xe máy gia tăng là số người chết vì tai nạn giao thông cũng tăng cao. Cách đây 12 năm, bình quân mỗi tháng có tới hơn 1.000 người thiệt mạng trong các vụ tai nạn giao thông.
Trước tình hình được ví như “một cuộc khủng hoảng quốc gia” như lời ông Greig Craft từ tổ chức Phòng chống thương vong châu Á, từ năm 2002 Chính phủ đã ban hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) khi đi môtô, xe máy trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ngoài khu vực dân cư tập trung như nội ô các đô thị, thị trấn… Tuy nhiên, quy định này đã không được thực hiện nghiêm và số người chết do bị chấn thương sọ não từ tai nạn giao thông vẫn rất lớn. Vì vậy, từ ngày 15.12.2007, chính phủ đã quy định người đi xe máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường. Đây là một nỗ lực của chính phủ nhằm giảm tỉ lệ chấn thương sọ não và chết người trong các vụ tai nạn giao thông. Từ đó đến nay, người dân đã hình thành thói quen đội MBH khi đi xe máy.
Tuy nhiên, thực tế lại nảy sinh một vấn đề mới, đó là không ít người đội MBH chỉ để đối phó với quy định chứ không phải để bảo vệ cái đầu của họ. Một trong những nguyên nhân là do việc sản xuất, kinh doanh các loại MBH không đạt chất lượng và tiêu chuẩn quy định diễn ra tràn lan, với giá rất rẻ đã đánh vào tâm lý của người tiêu dùng, trở nên ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Để chấn chỉnh tình hình này, từ ngày 1.7.2014, người tham gia giao thông bằng xe gắn máy sử dụng MBH không đạt chuẩn sẽ bị tịch thu để tiêu hủy và bị phạt như lỗi không sử dụng MBH. Mục đích của việc xử phạt là chấn chỉnh tình trạng đội MBH chỉ để đối phó và ngăn chặn hành vi sản xuất, kinh doanh các loại MBH không đạt chất lượng và tiêu chuẩn quy định. Theo đó, những người sản sản xuất, kinh doanh MBH giả, mũ không bảo đảm chất lượng, không hợp quy cách cũng sẽ bị xử phạt. Để có căn cứ xử phạt, Ủy ban ATGT quốc gia đã đưa ra tiêu chuẩn quy định chiếc mũ đạt chuẩn là phải có đầy đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thu xung đột và quai đeo; Có chứng nhận hợp quy phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN2: 2008/BKHCN, được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Việc Nhà nước bắt buộc công dân chấp hành đội MBH đúng quy cách là cần thiết, nhằm bảo đảm an toàn cho sức khỏe, tính mạng người dân. Tuy nhiên, để thực hiện quy định này không đơn giản chỉ nhắm vào việc xử phạt người sử dụng, mà phải quản lý từ gốc, đó là các nhà sản xuất, kinh doanh MBH. Do vậy, cần kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH, xử phạt nghiêm đối với những người sản xuất, kinh doanh MBH kém chất lượng, không hợp quy chuẩn, nhằm góp phần giúp người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi, sức khỏe và tính mạng của mình.
“Khai tử” những chiếc MBH dỏm không chỉ đơn thuần là việc của các cơ quan chức năng mà cần có sự cộng đồng trách nhiệm rất lớn từ phía người sử dụng. Một khi người tiêu dùng vì sự an toàn của chính mình, kiên quyết “nói không” với MBH dỏm, thì chắc chắn MBH dỏm sẽ không còn đất sống.
Tại sao không?
V.T