Chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp
Thời tiết mưa nắng thất thường cũng là lúc các dịch bệnh ở trẻ em bùng phát, đặc biệt là bệnh hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản cấp, viêm mũi họng cấp và đặc biệt là viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2.
Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh, cho biết: Thông thường, trẻ bắt đầu với các triệu chứng ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, rồi sau đó là thở nhanh, cánh mũi phập phồng, nặng hơn nữa là nhìn thấy lồng ngực bị rút lõm trong khi thở vào, thở rít, tím tái. Nếu không được xử trí kịp thời trẻ có thể bị hôn mê, co giật hoặc thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Với các trường hợp nhẹ và không có biến chứng, cần cho trẻ ăn uống bình thường, tránh kiêng cữ quá mức, tăng cường rau xanh và cho trẻ uống nhiều nước hoa quả. Có thể dùng những thuốc hạ sốt thông thường như: Panadol, Efferalgan, Tylenol… kết hợp với dùng nước ấm lau người để hạ sốt cho trẻ. Dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi và làm thông mũi trẻ trước khi cho ăn, cho bú. Theo dõi nhiệt độ hàng ngày, nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý để tránh nhiễm khuẩn...
Tuy nhiên nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi thấy các dấu hiệu nặng như: Sốt cao, ho nhiều, nôn ói kéo dài, tiêu chảy nặng, có các dấu hiệu biến chứng về tai, phổi, tiêu hóa, mắt…
Để phòng bệnh cho trẻ, điều quan trọng trước tiên là thực hiện đầy đủ chương trình tiêm chủng quốc gia. Trẻ mới sinh cần được bú sữa mẹ sớm, ăn dặm đúng cách, tránh suy dinh dưỡng. Trẻ được sống ở môi trường trong lành, không bụi khói độc hại, nhang trừ muỗi, thuốc lá, tránh khí độc, ô nhiễm, nơi ở tối tăm chật chội ẩm thấp, tránh tối đa nguồn lây… Giữ ấm cổ cho trẻ khi ngủ. Giữ nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ. Luôn trang bị khẩu trang cho trẻ khi ra đường. Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người trong mùa dịch bệnh. Tạo thói quen cho trẻ uống nước ấm vào buổi sáng sớm sau khi ngủ dậy để cổ họng trẻ không bị khô.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)