Nuôi trùn quế xử lý chất thải chăn nuôi: Tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường
Với việc áp dụng thành công mô hình nuôi trùn quế để xử lý chất thải trong chăn nuôi, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Phú đã cơ bản giải quyết vấn đề phát sinh mùi hôi của trại heo. Giá trị thu được từ việc bán trùn thịt và phân trùn quế cũng cao hơn so với cách làm cũ.
Trại heo giống ở xã Canh Vinh, huyện Vân Canh của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Phú (Công ty Thành Phú) được xây dựng từ năm 2010, với số heo nái ban đầu là 600 con, đến năm 2016 tăng lên thành 1.200 con. Trước đây, phân heo phát sinh trong quá trình nuôi được bán tươi hoặc xử lý bằng chế phẩm sinh học EM. Tuy nhiên, cách làm này có hạn chế là thường bị lẫn vụn vỏ bao đựng phân vào, ảnh hưởng đến chất lượng. Bên cạnh đó, mùi hôi phát sinh trong quá trình thu gom, ủ phân gây ảnh hưởng đến các khu vực dân cư xung quanh.
Trùn quế được cho ăn trung bình 2 ngày/lần, sau khoảng 2 tháng sẽ thu hoạch. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Từ năm 2018, Công ty bắt đầu thử nghiệm mô hình nuôi trùn quế để xử lý chất thải. Sau khi thử nghiệm thành công trên diện tích 500 m2, công ty tiếp tục mở rộng diện tích nuôi lên 2.000 m2 rồi 4.000 m2. Từ cuối năm 2021, Công ty đã xuất bán phân trùn quế với giá từ 3.500- 5.500 đồng/kg (cao hơn so với bán phân xử lý bằng chế phẩm EM khoảng 1.000 đồng/kg). Theo ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Công ty Thành Phú, việc nuôi trùn quế khá đơn giản, đã được nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh áp dụng. Tuy nhiên, khác với nuôi trùn bằng phân bò, phân heo cần được ủ thêm khoảng 2 ngày để giảm nồng độ amoniac, sau đó hòa với nước để tăng độ sệt rồi mới bơm vào các ô nuôi trùn. Với cách làm này, trung bình 2 tháng sẽ tiến hành thu hoạch 1 lần.
Theo tính toán của các chuyên gia, trung bình sau 4 tháng nuôi sẽ thu được 0,5 kg trùn thịt/m2 và 40 kg phân trùn thô/m2. Phân trùn quế phù hợp cho nhiều loại cây trồng như các loại rau, cây ăn trái và cây cà phê. Trùn quế được dùng làm thức ăn cho các loại thủy sản hoặc có thể sấy khô làm thực phẩm cho gia cầm, heo.
Ông Nguyễn Tiến Thành cho biết thêm: “Phân bón của chúng tôi hiện được nhiều hộ trồng trọt trong tỉnh và các tỉnh Tây Nguyên ưa chuộng. Chúng tôi đang xây dựng thương hiệu cho phân trùn quế do công ty sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi đang mở rộng diện tích xưởng nuôi trùn lên thành 6.000 m2 vừa đủ để xử lý lượng chất thải của trang trại 1.200 heo nái. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang xây dựng phòng thí nghiệm, dùng phương pháp thủy phân để chiết xuất dịch trùn quế dùng làm phân bón lá. Cách làm này giúp tăng giá trị phân bón từ trùn quế, bên cạnh đó còn giải quyết hết số lượng trùn sinh ra rất nhanh”.
Cùng với hướng xử lý chất thải chăn nuôi bằng cách nuôi trùn quế như trên, theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), đến nay, các đơn vị đã hướng dẫn, xây dựng, lắp đặt khoảng 23.500 công trình biogas để xử lý chất thải đối với hoạt động chăn nuôi quy mô nông hộ và hơn 60% trang trại quy mô lớn (2.000 con heo/lứa nuôi), đầu tư thêm các công trình xử lý chất thải bổ sung sau bể biogas. Một số cơ sở chăn nuôi áp dụng công nghệ cao (nuôi chuồng lạnh, đệm lót sinh học…) và sử dụng các chế phẩm sinh học để hạn chế mùi hôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi. Nhận thấy những vấn đề môi trường phát sinh do hoạt động chăn nuôi, trên toàn quốc nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng đã và đang hình thành những khu chăn nuôi tập trung để kiểm soát ô nhiễm môi trường. Tuy quá trình phân vùng đã bắt đầu ở một số tỉnh, đến nay vẫn chỉ ở quy mô thí điểm. Những khó khăn chính đối với chính sách phân vùng chăn nuôi là chi phí đầu tư cao, tốn nhiều diện tích để phát triển hạ tầng, người sản xuất phải chịu chi phí đầu tư cao từ việc di chuyển từ nơi sản xuất cũ đến những khu chăn nuôi tập trung.
“Theo thống kê, hiện đàn heo trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 890 nghìn con, trong đó có khoảng 140 trang trại, còn lại là chăn nuôi nông hộ. Nếu áp dụng cách nuôi trùn quế để xử lý chất thải sẽ giúp tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là mùi hôi. Đồng thời, phân bón từ trùn quế cũng phù hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là với các mô hình trồng trọt theo hướng hữu cơ. Do đó, mô hình nuôi trùn quế để xử lý chất thải chăn nuôi cần được khuyến khích nhân rộng ở cả các trang trại lẫn nông hộ”.
TS Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường
HOÀNG QUÂN