Kinh tế - xã hội của tỉnh đang phục hồi và phát triển
(BĐ) - Sáng 4.4, các đồng chí: Nguyễn Phi Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đã chủ trì hội nghị trực tiếp và trực tuyến đánh giá tình hình KT-XH quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2022. Tham dự hội nghị còn có các đồng chí: Đoàn Văn Phi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Đánh giá của UBND tỉnh và các tham luận tại Hội nghị cho thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Nhờ vậy, tình hình KT-XH quý I năm 2022 tiếp tục duy trì ổn định và đang phục hồi, phát triển. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) quý I tăng 6,5% so với cùng kỳ, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,37%; dịch vụ tăng 7,06%. Thu ngân sách đạt 4.030 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 3.762 tỷ đồng, đạt 36,9% dự toán, tăng 120,6% so với cùng kỳ. Đây là quý có nguồn thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay, tạo thuận lợi cho chi đầu tư phát triển, an sinh xã hội và phòng, chống dịch bệnh.Các hoạt động văn hóa- xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long phát biểu kết luận tại Hội nghị. Ảnh: TIẾN SỸ
Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội nghị cũng nhìn nhận nhiều khó khăn sẽ tác động đến việc thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ quý II năm 2022. Đó là tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Trước mắt, có hơn 11.000 ha lúa Đông Xuân đã chín nhưng do ảnh hưởng của mưa lũ chưa thu hoạch được và nhiều tàu cá của ngư dân bị chìm chưa được trục vớt. Các loại dịch bệnh nguy hiểm trên động vật đang có nguy cơ lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân. Sản xuất công nghiệp cũng gặp khó khăn khi giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN, lượng hàng hóa tồn kho còn nhiều. Tình trạng lấn chiếm đất đai, khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường còn xảy ra ở nhiều địa phương. Nhiều đơn vị, địa phương cũng còn lúng túng trong thực hiện các công trình, dự án, nhất là khâu đền bù, giải phóng mặt bằng.
Kết luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT - XH quý I năm 2022, đồng thời yêu cầu các đơn vị cần phát huy kết quả đã đạt được, nhìn nhận, đánh giá đúng những tồn tại, hạn chế, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể để khắc phục ngay.
Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH quý II năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long yêu cầu ưu tiên hàng đầu việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngành Y tế và các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Chủ động rà soát, tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế... phục vụ tốt nhất việc khám, điều trị chăm sóc sức khỏe người dân.
Nguồn: BTV
Đánh giá việc hỗ trợ người dân thu hoạch lúa là việc làm cấp thiết, lãnh đạo tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT và các địa phương huy động máy móc hỗ trợ người dân thu hoạch. Các đơn vị: CA, Quân đội, Đoàn thanh niên hỗ trợ nhân lực cho các địa phương, đảm bảo trong 10 ngày phải thu hoạch hết diện tích lúa chín bị ảnh hưởng bởi các đợt mưa vừa qua. Bên cạnh đó, nhanh chóng thống kê thiệt hại, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời cho nhân dân. Sở NN&PTNT cần phải hướng dẫn nông dân phòng chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi an toàn, ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết chuỗi. Tiếp tục triển khai các giải pháp để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; thực hiện tốt công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng.
Sở TN&MT và các địa phương cần phải lập lại trật tự trong công tác quản lý, khai thác tài nguyên đất đất đai, khoáng sản và trên lĩnh vực môi trường, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, không để tình trạng khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp kéo dài. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo nguồn đất, đá, cát phục vụ cho các công trình trọng điểm.
Sở Công thương đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 02/2022 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Nghiên cứu giải pháp giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Thường xuyên cập nhật những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các DN để hỗ trợ, hướng dẫn giúp DN tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp (CCN) tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng và nâng cao hiệu quả hoạt động các CCN, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cũng yêu cầu tăng cường thu ngân sách gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đảm bảo chi cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội và phòng chống dịch bệnh. Sở Tài chính và Sở KH&ĐT kiểm soát các nguồn thu, cân đối và bố trí nguồn vốn hợp lý; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công, đến ngày 30.6.2022 phải đảm bảo tỷ lệ giải ngân đạt tối thiểu 40% kế hoạch vốn giao. Các sở, ngành địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT; thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch phù hợp với tình hình mới; đảm bảo quốc phòng - an ninh...
TIẾN SỸ